PV: Ông đánh giá như thế nào về các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mới khoa học công nghệ hiện nay? Những ưu và nhược điểm của họ?
TS Đặng Kim Sơn:
- Trong điều kiện khoa học công nghệ khó khăn nói chung về cơ chế như thế, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc chính những người nông dân sản xuất nhỏ là những đối tượng ít được chú ý đến nhất. Vì các đề tài cấp cho các Viện, Ngành, Khối hay các trường thì họ thường nhắm vào các mục tiêu lớn và các mục tiêu mà các nhà khoa học có thế mạnh. Rất khó để các nhà khoa học có thể đi đến nắm bắt từng yeu cầu nhỏ của người sản xuất kinh doanh nhỏ. Và đặc biệt là làm các nghiên cứu thực tế do yêu cầu cuộc sống đặt ra.
- Và như chúng tôi đã trình bày, các điều tra gần đây cho thấy, 80 – 90% vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vốn tự có của họ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó trong vấn đề tiếp cận vốn của họ. Bình thường vốn cho sản xuất đã khó, chưa nói gì đến vốn dành cho tái sản xuất, mua thiết bị hay áp dụng khoa học công nghệ mới. Và tiến bộ khoa học không có sẵn cho họ, bản thân họ cũng khó có khả năng mua được.
PV: Thưa ông, vì sao sau nhiều năm đổi mới công nghiệp hóa thì tình trạng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất vẫn còn chậm và chưa theo kịp tiến trình công nghiệp hóa?
TS Đặng Kim Sơn:
- Ở giữa cung và cầu là thị trường, nói chung thì thị trường của chúng ta chưa thuần hóa. Mặt hàng khoa học công nghệ chưa được coi là một loại hàng hóa, sàn giao dịch chưa xuất hiện và hàng hóa bán ra, việc bảo vệ bản quyền, hỗ trợ, nâng cấp, bảo dưỡng khoa học kỹ thuật chưa tốt như các hàng hóa khác. Vì thế tiến độ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa phát triển.
PV: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ hiện nay đang có những thuận lợi và bất cấp gì đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là giai đoạn đổi mới từ năm 2007 đến nay?
TS Đặng Kim Sơn:
- Chính sách khoa học công nghệ của chúng ta hiện nay có những đổi mới rõ rệt, chẳng hạn như việc đào tạo cán bộ, chúng ta đã đưa rất nhiều cán bộ đi ra nước ngoài đào tạo; vón khoa học cũng được tăng cải thiện; rất nhiều cơ quan khoa học tại các Bộ, Ngành được tổ chức sắp xếp lại. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay đối với đổi mới khoa học công nghiệp chính là chính sách tài chính.
- Các nhà khoa học phàn nàn rất nhiều về vấn đề các nghiên cứu chỉ tập trung vào hoàn chỉnh chứng từ chi tiêu hơn là lo chất lượng sản phẩm đầu ra, đây là việc kéo dài rất nhiều trong thời gian qua. Thứ hai là cách thức lên kế hoạch cho khoa học công nghệ hàng năm, rồi cách thức chi tiền cho công tác khoa học. Các đề tài khoa học của chúng ta vẫn mang bóng dáng của đề tài nghiên cứu thuần túy chứ không phải là sự hỗ trợ để đưa ra các sản phẩm khoa học công nghệ nhắm vào khách hàng và yêu cầu cụ thể của sản xuất. Cách đặt vấn đề của chúng ta như thế là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
PV: Vâng, xin cám ơn ông.
Agroinfo - InvestTV