Những bài cùng chủ đề:
- Chương trình tuyển dụng của Viện CSCL&PTNTNT được các phương tiện truyền thông đại chúng đánh giá cao
- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Giao lưu và đối thoại với sinh viên
Bạn Nguyễn Mạnh Cường, cử nhân, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: “Em biết thông tin về Chương trình tuyển dụng của Viện qua một người bạn. Ban đầu , em đến tham gia buổi tuyển dụng hôm nay vì “tò mò” là chính, vì muốn biết xem một Viện, là cơ quan Nhà nước thì yêu cầu tuyển dụng như thế nào. Bởi vì từ trước cho tới nay em vẫn nghĩ, việc tuyển dụng đối với các Cơ quan Nhà nước chỉ là vấn đề hình thức. Nhưng sau khi tham dự và nghe bài phát biểu của Viện trưởng-TS. Đặng Kim Sơn, em thấy rất ấn tượng! Lần đầu tiên em thấy việc tuyển dụng của một Cơ quan Nhà nước diễn ra công khai và chuyên nghiệp như vậy. Tham vọng của Viện về xây dựng đội ngũ nghiên cứu chất lượng cao là có cơ sở. Họ sẵn sàng “trải thảm đỏ” để thu hút nhân lực và tất nhiên đòi hỏi của họ về kiến thức chuyên môn không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Em cũng đã có cuộc phỏng vấn với đại diện Phòng Hành chính của Viện và hi vọng có cơ hội được làm việc tại đó. Bây giờ thì thực sự là em hi vọng sẽ có cơ hội được làm việc tại Viện theo đúng ngành nghề chuyên môn được đào tạo của mình”.
Cùng suy nghĩ như bạn Cường, bạn Hà Thị Huế, sinh viên năm cuối, trường ĐH. Ngoại Thương Hà Nội mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng cũng đã tới để tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp cho tương lai. Huế cho biết: “Em cảm thấy rất ngạc nhiên, thực sự ngạc nhiên vì đây là một sự thay đổi mạnh mẽ. Và em hi vọng Viện sẽ tìm kiếm được những ứng cử viên tốt nhất và em nghĩ có một buổi giới thiệu việc làm như thế này thì chắc chắn điều đó sẽ trở thành hiện thực”.
Cũng tới từ trường Ngoại thương, bạn Nguyễn Thị Cẩm Trang, tân cử nhân ĐH. Ngoại Thương Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Nghiên cứu là một lĩnh vực cũng rất hay đối với sinh viên Ngoại thương. Bài phát biểu của Viện trưởng cho thể hiện một sự quyết tâm thay đổi, cải thiện bộ máy của viện để nhằm đóng góp hơn nữa cho công tác tham mưu và hoạch định chính sách nông nghiệp. Em nghĩ, trong tương lai Viện sẽ trở thành một môi trường làm việc năng động và giúp cho việc học hỏi được nhiều. Nếu chế độ đãi ngộ tốt thì cho dù sức hút của các doanh nghiệp nước ngoài có lớn, sinh viên tốt nghiệp vẫn thích về làm ở các cơ quan nghiên cứu vì "công việc ổn định và lại đóng góp được cho đất nước”. Cơ hội cho sinh viên Ngoại thương khi ra trường không phải là ít, tuy nhiên nếu được tuyển dụng, em sẵn sàng làm việc tại Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn”.
Đã có ít nhất 03 thủ khoa vừa mới tốt nghiệp từ các khoa Thống kê (ĐH Kinh tế Quốc dân), lớp tiếng Pháp (ĐH Ngoại thương) và Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn (ĐH Nông nghiệp I) đã gửi đơn trình bày nguyện vọng và tới tham gia tìm hiểu về Viện và các đơn vị thành viên.
Trong số các bạn sinh viên tham gia chương trình giao lưu và giới thiệu tuyển dụng, không phải chỉ có các bạn học khối các ngành kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ mà còn có cả các bạn học khối kỹ thuật như bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản nông sản, công nghệ môi trường, v.v… cũng tới tham dự với suy nghĩ rất đơn giản rằng vì tên của Viện có liên quan tới “nông nghiệp, nông thôn”. Điều này một mặt cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu tìm việc làm thực sự của các bạn sinh viên trong các cơ quan, đơn vị nghiên cứu nhà nước; mặt khác, cũng cho thấy phần nào phương thức tiếp cận, tìm hiểu thông tin và mức độ hiểu biết của các bạn sinh viên về đơn vị tuyển dụng còn chưa thực sự tốt. Lĩnh vực tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của bản thân sinh viên hiện nay còn là một vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.
Kết quả của buổi giao lưu và chương trình giới thiệu tuyển dụng là rất nhiều hồ sơ xin việc và giấy đăng ký thực tập của các bạn sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp.