Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Đừng bao giờ thí nghiệm trên lưng nông dân”
28 | 07 | 2007
Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng khi Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản

Tuy nhiên, không phải lúc nào các đề tài nghiên cứu cũng có tính ứng dụng, thậm chí đã gây tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp, mà người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là bà con nông dân.

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Trần Duy Quý, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Hằng năm Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu trên dưới 10 giống lúa mới nhưng thực tế đưa vào triển khai trên diện rộng rất ít. Vậy lý do thế nào, thưa ông?

Trong nhiều năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở sáp nhập 10 viện đã tập trung vào 6 chương trình trọng điểm của nhà nước. Đặc biệt vào chương trình giống cây trồng, chương trình công nghệ sinh học, chương trình an toàn thực phẩm. Các viện thành viên đã tạo ra nhiều giống lúa các loại trong đó có khoảng 20 giống lúa chất lượng cao có thể phát triển được ỏ nhiều vùng đất nước.

Tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định khi triển khai trên diện rộng. Bởi hiện nay một giống lúa mới đưa ra phải tuân thủ 3 bước: Được hội đồng khoa học công nhận tạm thời, mà khi công nhận tạm thời chỉ được trồng diện tích tối đa là 200ha; khi được công nhận là giống quốc gia mới được 2.000 – 3.000ha; tiếp đó mới đưa ra thị trường.

Mà muốn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá thì phải xây dựng được vùng nguyên liệu đồng nhất trên quy mô diện tích lớn. Gần đây Viện cũng đã mạnh dạn chủ ký với nông dân trồng các giống lúa mới.

Trên thực tế cũng đã có những trường hợp người nông dân phải gánh chịu hậu quả khi ứng dụng các giống mới vào sản xuất. Quan điểm của ông về điều này thế nào?

Quan điểm của tôi là không bao giờ được phép thí nghiệm trên lưng người nông dân. Chính vì vậy nếu thất bại người nông dân sẽ được đền bù 100%, còn thành công thì lợi nhuận chia đôi. Như vậy khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng sẽ được rút ngắn.

Phải chăng lâu nay cơ chế bao cấp nghiên cứu khoa học đã làm giảm tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu?

Cơ chế bao cấp của nhà nước đối với nghiên cứu cơ bản là rất cần thiết và tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng. Thế nhưng nó cũng làm cho một số nhà khoa học sinh tính dựa dẫm, không phát huy được tính sáng tạo vì chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích.

Nhà nước bao cấp nghiên cứu thì khi công trình được đưa ra tác giả chỉ được cái danh là người sáng lập không được phép hưởng bản quyền. Còn nếu với cơ chế mới, nếu doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư thì doanh nghiệp được bản quyền và nhà nghiên cứu cũng được phân chia quyền lợi theo tỉ lệ 60/40.

Viện có sự hỗ trợ như thế nào về mặt khoa học kỹ thuật để các địa phương bảo tồn và phát triển các giống lúa đặc sản?

Đối với các giống ở địa phương sau một thời gian dài đi vào sản xuất ít được phục tráng và bắt đầu biểu hiện nhược điểm thoái hoá, chống chịu sâu bệnh kém thì thông qua chương trình khuyến nông chúng tôi giúp bà con tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiến hành khảo nghiệm và đưa vào những giống lúa đặc sản mới có điều kiện tương đồng trên cơ sở phát huy những ưu điểm giống lúa truyền thống. Gần đây Viện chúng tôi cũng đã nghiên cứu ra một số giống lúa chất lượng cao không thua kém gì gạo tám Thái Lan nhưng để thuyết phục bà con nông dân trồng sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian vì thường những giống lúa ngon thì sản lượng không cao và chỉ cấy 1 vụ/năm.

Nếu có các công ty đứng ra “đỡ đầu” đầu tư cho bà con nông dân thì việc triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ nhanh hơn.

Ông hãy cho một đánh giá về dự án phát triển vùng nguyên liệu gạo đặc sản Điện Biên, một địa phương gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển?

Gạo Điện Biên được nhiều người biết đến nhưng hiện nay khâu thu hoạch bảo quản, chế biến đều còn rất kém. Chính vì vậy nếu dự án được triển khai, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chính quyền địa phương đặc biệt là sự đầu tư của các nhà doanh nghiệp thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều.

Đây sẽ là một trong những mô hình mẫu. Nếu như có nhiều doanh nghiệp đầu tư một cách bài bản thì chắc chắn giá trị hạt gạo Việt Nam sẽ được nâng cao và nhà khoa học cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Vậy còn mối quan hệ của 4 nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước- chính quyền địa phương và người nông dân?

Hiện nay mối quan hệ này khá lỏng lẻo vì thực tế nhà nào cũng chỉ tính đến cái lợi riêng của mình. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng người nông dân sẵn sàng phá cam kết khi giá thị trường cao hơn.

Tôi có gợi ý cho một số doanh nghiệp khi thu mua hàng nông sản là nên mua theo giá thị trường. Nhà doanh nghiệp thu lợi nhuận không phải vì sự chênh lệch giá mà phải tạo ra được giá trị gia tăng. Người nông dân phải được đảm bảo quyền lợi vì họ là những người có thu nhập thấp nhất.

Để đạt được hiệu quả thì quyền lợi phải được phân chia hợp lý, không có quyền lợi thì khó gắn kết lại với nhau được. Trong bốn nhà đó thì vai trò của nhà doanh nghiệp và nhà khoa học phải chiếm vị trí quan trọng hàng đầu vì nó quyết định đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Viện có chiến lược tiếp cận khách hàng, cụ thể là các doanh nghiệp như thế nào trong thời gian tới khi mà nhà nước xoá bỏ cơ chế bao cấp nghiên cứu?

Chúng tôi đã lập các doanh nghiệp trực thuộc viện từ hơn chục năm trước nên sẽ không quá bỡ ngỡ. Nghị định 115 với mục đích tăng cường tự chủ cho các đơn vị, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các trường đại học là cần thiết. Thực tế gần đây chúng tôi đã sản xuất nhiều giống lúa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Cách tốt nhất để tiếp cận khách là phải đưa ra được những sản phẩm có chất lượng tốt và phải dựa trên nhu cầu của thị trường tức là phải có tính ứng dụng cao.

Xin cảm ơn ông.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường