Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Nông dân cần trợ giúp để hưởng tài sản dân chủ"
06 | 10 | 2008
"Đưa dân chủ vào các cụm dân cư có đời sống dân trí cao hơn, thành phần xã hội đa dạng hơn thì mới đo lường được phản ứng. Dân chủ thực chất đòi hỏi người dân một khả năng sống phức tạp hơn và rất khoa học trong khi những người nông dân vẫn sống phần nhiều theo bản tính tự nhiên và duy cảm", nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều nói.
Là một người sinh trưởng và gắn bó cả cuộc đời với nông thôn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ góc nhìn của riêng ông nhân đề án thí điểm dân trực tiếp bầu chủ tịch xã được Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 9/10.

Điều dân trông đợi thì chính quyền xã không thể giải quyết

"Chúng ta nên làm được điều này thật tốt ở những nơi khác, sau đó mang đến cho người dân nông thôn và hướng dẫn, trợ giúp họ để họ được hưởng tài sản dân chủ". Ảnh: Lê Anh Dũng

- Sắp tới người dân ở 500 xã sẽ trực tiếp bầu chủ tịch xã và việc này được kỳ vọng là bước tiến mới về dân chủ, đưa dân chủ về tận cơ sở. Quan điểm của ông?

- Bầu trực tiếp chủ tịch xã là xu hướng phải tiến tới, và còn lên cấp cao hơn. Nó minh chứng cho các bước tiến dân chủ.

Nhưng nhìn nhận kỹ lưỡng, chúng ta thấy xã là đơn vị hành chính đơn giản nhất. Theo tôi, đó là nơi phải tiến hành vấn đề dân chủ muộn nhất, do trình độ nhận thức, dân trí, văn hóa, xã hội...

Quan trọng nhất là người ta phải nhận thức được đầy đủ về dân chủ và có tất cả những điều kiện khách quan, chủ quan để thực hiện dân chủ. Thực tế cho thấy các làng, xã Việt Nam hiện nay có quá ít những điều kiện đó.

Mục đích của bầu trực tiếp chủ tịch xã là gì? Nếu để rút ra bài học kinh nghiệm về dân chủ thì theo tôi, phải thử trên một nhóm dân cư có trình độ dân trí cao, hoặc trên những đơn vị nhà nước nhất định.

Vấn đề cơ bản của nông dân là mở rộng dân trí, văn hóa, giáo dục... Họ là nơi cuối cùng mà bước tiến dân chủ có thể lan tỏa tới chứ không phải lấy nơi đó để thí điểm bước đi dân chủ.

- Là người sinh trưởng ở một làng quê và đến nay vẫn có cả gia đình sống ở đó, ông thấy hiện người dân nông thôn đang có những bức xúc gì? Và ông chủ tịch xã có vai trò giải quyết những bức xúc ấy không?

- Một ông chủ tịch xã hay một ông trưởng thôn hiện nay không có tác động bao nhiêu cho sự phát triển đời sống xã hội của cộng đồng làng xóm.

Người dân nông thôn rất thuần tính. Mối quan tâm của những người ở nông thôn rất cụ thể, đó là điều kiện lao động, y tế, học hành, hạ tầng cơ sở... nhưng chính quyền cấp xã đâu có khả năng giải quyết.

"Mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ở những vùng nông thôn vẫn là quan hệ của dòng họ, tình làng xóm, láng giềng chứ không phải quan hệ của một cơ quan hành chính và dân chúng".
Lâu nay, những hoạt động liên quan trật tự an toàn xã hội, văn hóa… đều trên tinh thần tự quản. Việc ai làm trưởng thôn, chủ tịch xã với người dân thực sự không phải là một nhu cầu cấp thiết cho đời sống mà chỉ là giải quyết tâm lý. Chỉ khi xảy ra những tranh chấp hoặc trật tự an ninh thôn xóm cần đến sự can thiệp của luật pháp thì người dân mới cần đến chính quyền ở địa phương cho những giải quyết ban đầu.

Vì vậy, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ở những vùng nông thôn vẫn là quan hệ của dòng họ, tình làng xóm, láng giềng chứ không phải quan hệ của một cơ quan hành chính và dân chúng.

Việc áp dụng dân chủ, tưởng như vì thế mà thành công, nhưng thực chất lại không tác động được gì. Chúng ta cần phải đưa dân chủ vào các cụm dân cư có đời sống dân trí cao hơn, có những thành phần xã hội đa dạng hơn thì mới đo lường được phản ứng.

Bầu bán chưa xuất phát từ quyền lợi

- Như vậy có thể nói việc lựa chọn ông chủ tịch xã chưa phải là việc cấp bách đối với người dân?

- Đúng thế. Gần như người dân không có ý thức về ảnh hưởng của tác động chính quyền. Chính quyền gần như mới chỉ là đại diện để phân xử những mâu thuẫn nảy sinh mang tính làng xóm. Và những tác động của chính quyền xã với dân chúng chỉ mang tính chất quản lý xã hội ở mức giản đơn, chứ không tác động nhiều về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục…

Xã không có quyền quyết định ngân sách, không vạch ra đường lối, không thể cung cấp phương tiện lao động, không trợ cấp thuốc men, không thể giảm đi đóng góp của nhà trường.. Ở nông thôn hiện nay, hầu hết việc làm đường, sửa sang đình chùa, xây cổng làng, lập hội khuyến học là vận động tự nguyện do người dân, do dòng họ... tự phát làm.

Có lẽ đến 90% những vấn đề mà người dân cần thì chính quyền xã mới chỉ đóng vai trò là người thông báo và trợ giúp cho cơ quan quản lý, quy hoạch hay điều tra một phần nào đó.

Người dân chỉ thực sự cần vai trò của ông chủ tịch xã nếu chữ ký của ông ta quyết định được những vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, việc học hành của con cái họ. Nghĩa là khi ông chủ tịch phải gắn liền với những lợi ích cụ thể thì người dân mới cân nhắc thực sự.

"Người dân chỉ thực sự cần vai trò của ông chủ tịch xã nếu chữ ký của ông ta quyết định được những vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, việc học hành của con cái họ".

Chính vì thế mà không phải dòng họ nào, làng nào có ông chủ tịch là người họ mình, làng mình nhận được quyền lợi nhiều hơn đâu.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, trong các cấp chính quyền, ông chủ tịch UBND xã ở cấp gần dân nhất. Do đó, người dân sẽ biết được ai là người đại diện tốt nhất cho mình?

- Nhìn từ bên ngoài, người ta đang bị "đánh lừa" với cảm giác ông chủ tịch xã là gần dân nhất. Cảm giác ông chủ tịch đi xe đạp, xuống đồng, đến chợ, ra đình làng, gặp ai cũng biết, cũng chào hỏi, cũng có thể ngồi uống trà, nói chuyện.

Thế là, những người nghiên cứu về nông thôn một cách không kỹ lưỡng cho rằng quan hệ giữa chính quyền và dân chúng quá chặt chẽ và gần gũi nhưng thật ra không phải. Tính cộng đồng của làng xã VN đã tạo nên sự chặt chẽ và gần gũi đó một cách tự nhiên.

Nông dân cần được trợ giúp để được hưởng tài sản dân chủ

- Hằng tuần, ông vẫn tham gia sinh hoạt, nói chuyện với những người dân nông thôn. Ông thấy người dân có quan tâm đến việc sắp tới sẽ được bầu trực tiếp chủ tịch xã?

- Họ chỉ quan tâm đến những việc xảy ra trong làng xóm liên quan đến đời sống tình cảm và điều kiện lao động cũng như điều kiện sống của họ mà thôi. Không chỉ những người nông dân mà cả những người trong chính quyền thôn, xã cũng rất mơ hồ về ý nghĩa của việc dân bầu chủ tịch xã. Họ nói với tôi: Cũng chỉ có từng đó người, bầu ai thì bầu. Chỉ mong ông chủ tịch ra đường thấy dân thì phải chào hỏi cho niềm nở và đừng có bán trộm đất của dân.

"Mối quan tâm của những người ở nông thôn rất cụ thể, đó là điều kiện lao động, y tế, học hành, hạ tầng cơ sở... nhưng chính quyền cấp xã đâu có khả năng giải quyết". Ảnh: Lê Anh Dũng

Câu nói trên của người dân cho chúng ta thấy một cách chính xác nhất vai trò của chủ tịch xã và nhu cầu của người dân đối với chủ tịch xã.

Vậy thì mục đích đưa dân chủ vào làng, xã hay là thí điểm một bước dân chủ ở đơn vị làng, xã là thiếu thực tế. Vì ở nông thôn, những đòi hỏi về dân chủ theo cách mà chúng ta yêu cầu thì chính họ cũng chưa hiểu và chưa cần.

- Ông nói rằng quyền lợi của người làm chính quyền thôn, xã so với một nông dân bình thường không chênh lệch nhiều lắm. Vậy thì liệu có nhiều người hào hứng ứng cử không?

- Việc bầu bán dù thế nào cũng là tìm một người đại diện cho dù ý nghĩa đại diện này rất mơ hồ. Quan niệm "một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp" vẫn tồn tại trong đời sống tâm lý của người nông thôn. Ngoài ra cũng còn tâm lý "con gà tức nhau tiếng gáy" của các dòng họ.

- Theo ông, phải đợi đến bao lâu nữa để thực thi dân chủ ở nông thôn có ý nghĩa thực chất?

- Dân chủ không phải là một lễ hội hay là một phúc lợi xã hội mà ta mang đến và người dân được hưởng thụ nó. Chính vì thế mà chúng ta nên làm được điều này thật tốt ở những nơi khác, sau đó hãy mang đến cho người dân nông thôn và hướng dẫn, trợ giúp họ để họ có thể được hưởng tài sản dân chủ.

Dân chủ là sản phẩm của nền văn minh với nhiều tầng ý nghĩa. Trong khi đó, nông thôn hiện nay, đứng về nhiều mặt, vẫn đang là một ốc đảo với nghèo khó và lạc hậu. Chúng ta có thể nói đời sống nông thôn VN được cải thiện nhiều nhưng chưa thể nói ở đó đang trú ngụ một nền văn minh. Nếu không có nhận thức đúng thì việc thực thi dân chủ ở làng, xã sẽ chỉ là những hành vi kéo bè kéo cánh để tranh giành quyền lợi.

Tại sao chúng ta không làm ở bậc cao hơn, có thể là ở phường, hoặc nơi đô thị? Thí điểm trước ở nông thôn, theo cá nhân tôi, là chúng ta đang làm ngược. Dân chủ thực chất đòi hỏi người dân một khả năng sống phức tạp hơn và rất khoa học trong khi lúc này, những người nông dân vẫn sống phần nhiều theo bản tính tự nhiên và duy cảm.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường