Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đi chợ kiểu “thắt lưng buộc bụng”
04 | 10 | 2008
Trong thời buổi vật giá đắt đỏ, người dân tỏ ra dè dặt trong việc mua sắm, tiêu dùng. Tại các siêu thị và chợ tại TPHCM, người tiêu dùng tận dụng tối đa tháng khuyến mãi để mua hàng, tuy nhiên sức mua vẫn giảm đối với những loại thực phẩm tươi sống hàng ngày.
Tận dụng tháng khuyến mãi

Trong tháng 9 này, 200 điểm bán hàng tại TPHCM cùng “đua” trong việc giảm giá để kích cầu. Tại siêu thị Co.opmark quận 9, khách hàng đến mua sắm đông như nêm trong hai ngày cuối tuần. Tại siêu thị này, những sản phẩm như dầu ăn Tường An, Mavela, dầu thực vật Cái Lân, bột giặt Daso, Viso, bánh Kinh Đô, Bibica, các loại sữa, các nhãn hàng P&G… đều giảm giá từ 5% - 10% hoặc kèm quà tặng. Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đang đẩy một xe chất đầy các mặt hàng, nói: “Trong thời buổi cái gì cũng tăng giá, tôi lựa mua khi có khuyến mãi. Những mặt hàng tôi chọn mua như bột giặt, nước xả, dầu ăn…”.

Thời buổi đắt đỏ, mua gì cũng phải tính toán

Cũng như chị Lan, khách hàng mua sắm tại các siêu thị chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu dùng trong gia đình và được khuyến mãi lớn. Chị Lư Mai An (ngụ đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình) cùng chồng đang đi mua sắm tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, chỉ vào hóa đơn thanh toán và nói: “Mấy lần trước đi siêu thị mua khoảng 200.000đ là nhiều rồi, nhưng lần này mua đến gần 500.000đ vì có khuyến mãi”.

Tại các siêu thị thuộc hệ thống Maximark, Saigon Co.op, BigC, Citimart, khi khách hàng mua bột giặt, nước xả vải được tặng kèm nước rửa chén, mua kem đánh răng được thêm bàn chải đánh răng, mua dầu ăn được tặng ly uống nước… Ngoài ra, một số công ty còn thu hút khách hàng bằng cách tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng, trò chơi có thưởng. Vì thế, khách hàng đã tận dụng tối đa các chương trình khuyến mãi này để mua sắm.

Theo đại diện các siêu thị, trong tháng khuyến mãi, sức mua tăng khoảng 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình) cho biết: “Nếu so với tháng 7, tháng 8 thì doanh thu tháng 9 của siêu thị vẫn không tăng mặc dù người mua nhiều hơn. Khách hàng chủ yếu chọn mua hàng khuyến mãi là nhiều, sức mua trong tháng 9 ước tăng khoảng 5% - 10% so với mấy tháng trước”.

Vẫn thắt chặt chi tiêu…

Tại các chợ ở TPHCM, người dân đến mua những loại thực phẩm sử dụng hàng ngày trong những tháng gần đây giảm đáng kể. Tại quầy bán thịt heo ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chủ các quầy thịt đang “tám” với nhau vì vắng khách. Bắt chuyện với chị Tuyết (quầy số 2), chị nói: “Hồi giá chưa tăng, tôi bán mỗi ngày trên 100kg thịt.

Gần đây, chỉ bán trung bình khoảng 70kg mỗi ngày, ngày bán nhiều lắm được trên 90kg”. Dù đã 4g chiều, nhưng sạp của chị Tuyết cũng như các sạp khác, các loại thịt, xương… vẫn ê hề nhưng chỉ có lai rai vài người khách đến mua. Một người bán thịt tên Minh ở quầy bên cạnh nói vẻ hy vọng: “Chắc khách chưa đông đó thôi, chiều đi làm về họ mới vô mua”.

Tương tự hàng thịt heo, nhiều mặt hàng khác như thịt gà, vịt, rau củ quả… cũng bán không “chạy” lắm! Chị Út, bán rau ở chợ Tân Hương (quận Tân Phú) than phiền: “Rau muống bây giờ cũng tăng giá từ 3.000đ lên đến 5.000đ thì người ta ít ăn là phải. Có hôm tôi bán không hết, rau ế bị úa phải đem đổ đi”.

Còn cô Năm bán thịt gà tại quầy số 1, chợ Linh Trung (quận Thủ Đức) nói: “Hồi trước, tôi bán ngày cũng được hơn 20 con gà, vịt. Nhưng bây giờ ngày trên chục con là mừng lắm rồi”! Chị Hương (ngụ đường Nguyễn Sơn, phường 18, quận Tân Phú) cho biết chi tiêu trong gia đình chị phải cắt giảm đáng kể từ khi giá cả gia tăng. Mỗi ngày, chị đi chợ cho 4 người ăn hết 70.000đ trở lên, trong khi đó trước kia chỉ cần 50.000đ là đủ. Chưa kể, bản thân chị cũng giảm bớt nhu cầu mua sắm áo quần, mỹ phẩm, giày dép, không dùng điện thoại để tán như lúc trước.



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường