Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mối lo ngại về thực phẩm không an toàn từ TQ tiếp tục gia tăng
02 | 10 | 2008
Sau khi có thêm nhiều sản phẩm bị phát hiện có chứa chất melamine độc hại, vốn là nguyên nhân khiến 4 trẻ em bị tử vong và hàng nghìn trẻ khác bị sỏi thận, làn sóng tẩy chay các sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, với việc chính phủ nhiều nước liên tiếp ban hành các lệnh cấm nhập khẩu và thu hồi hàng loạt sản phẩm không an toàn.

Sau khi phát hiện một số sản phẩm sữa bán tại các chợ ở thủ đô Viêng Chăn có nhiễm chứa chất melamine, Bộ Y tế Lào mới đây đã yêu cầu các cơ quan y tế ở các tỉnh thành giáp biên giới và các sân bay tạm ngừng nhập khẩu các loại kẹo bơ cứng hương vị sữa, sữa và sữa bột từ Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo người dân không mua các loại kẹo sữa, sữa và sữa bột do Tập đoàn sữa Mengnui và Công ty Công nghiệp Yili của Trung Quốc sản xuất cho đến khi bộ này hoàn tất việc kiểm tra và xác định xem các sản phẩm này có chứa chất melamine độc hại hay không.

Ngày 29/9, Cục trưởng Cục chất lượng và an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế Malaixia, Noraini Mohd Othman, cũng cho biết lực lượng chức năng của nước này đã thu giữ 866 mặt hàng thực phẩm đang bày bán tại các chợ do nghi nhiễm chất melamine. Số hàng bị thu giữ trị giá 318.700 ringgit (92.000 USD), trong đó mặt hàng bánh kẹo trị giá 236.000 ringgit (68.400 USD), sữa 39.500 ringgit (11.400 USD), sôcôla 34.000 ringgit (9.800 USD), thức ăn đặc 6.500 ringgit (1.880 USD) và thực phẩm làm từ ngũ cốc 2.300 ringgit (660 USD). Tính đến ngày 28/9, bộ này đã công bố kết quả kiểm tra cho thấy 994 mặt hàng của 35 công ty trong nước không nhiễm độc chất melamine.

Bà Noraini cũng trấn an người tiêu dùng không nên lo ngại vấn đề nhiễm độc melamine vì tất cả các sản phẩm thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được lấy mẫu kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nên đọc kỹ nhãn hiệu sản phẩm trước khi mua.

Trong khi đó, Chính quyền Hồng Công cũng cho biết hãng sản xuất kẹo Cadbury Asia Pacific của Anh đã thu hồi 11 loại kẹo sôcôla sản xuất tại nhà máy của hãng ở thủ đô Bắc Kinh để đề phòng khả năng nhiễm melamine, và trở thành công ty nước ngoài mới nhất chịu ảnh hưởng của vụ bê bối sữa "độc" của Trung Quốc.

Cùng ngày 29/9, Bộ trưởng Y tế Philíppin, Francisco Duque III, cho biết nước này sẽ cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm sữa nhập khẩu nào có nguồn gốc không rõ ràng, theo một loạt các quy định mới nhằm ngăn chặn các sản phẩm sữa nhiễm độc của Trung Quốc. Quy định này yêu cầu các nhà xuất khẩu của các nước như Ôxtrâylia và Niu Dilân phải cho biết xuất xứ các sản phẩm sữa của họ nếu không được sản xuất trong nước. Nếu nhà xuất khẩu nào không khai báo đầy đủ, các nhà chức trách Philíppin sẽ cho rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và lập tức cấm nhập khẩu.

Philíppin nằm trong số ít nhất 12 nước đã cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa của Trung Quốc hay các thực phẩm có chứa thành phần sữa Trung Quốc, nhằm ngăn chặn việc trẻ em sẽ bị bệnh do ăn phải các thực phẩm không an toàn. Cục Thực phẩm và Dược phẩm Philíppin đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với khoảng 50 sản phẩm sữa từ Trung Quốc và dự kiến sẽ công bố kết quả trong tuần này.

Vụ bê bối về an toàn thực phẩm của Trung Quốc xảy ra sau khi nhiều sản phẩm sữa bột trẻ em do nước này sản xuất bị phát hiện có chứa chất melanmine độc hại, làm 4 trẻ em bị tử vong và hơn 50.000 trẻ khác phải nhập viện. Các quan chức cho biết, các nhà cung cấp có thể đã cho thêm melamine vào để qua mặt các cuộc kiểm tra về prôtêin.



Nguồn: Vietstock
Báo cáo phân tích thị trường