Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN ngành thép lao đao
01 | 10 | 2008
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã tạm ngưng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng vì càng sản xuất càng lỗ nặng

Giá thép xây dựng gần đây liên tục giảm, trong khi đó sức tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường cũng đang giảm rất mạnh khiến không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất thép lao đao. Lỗ lã, hàng tồn kho ngày càng nhiều là tình trạng phổ biến và là nỗi lo của các DN.

Hàng tồn cả triệu tấn

Hiện nay, dù giá thép xây dựng giảm chỉ còn 14,5 triệu đồng đến 15,2 triệu đồng/tấn (giảm trên 5 triệu đồng/tấn so với những tháng đầu năm) nhưng vẫn rất khó bán.

Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép

Để tạo điều kiện cho các DN sản xuất thép trong nước tiếp tục hoạt động trong thời điểm khó khăn, Hiệp hội Thép VN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế xuất khẩu phôi thép từ 10% xuống còn 2% hoặc 0% (trước đó Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh mức thuế xuất khẩu phôi thép từ 20% xuống còn 10%). Đây là biện pháp tạm thời giúp DN lỗ ít, có cơ hội thu hồi vốn cũng như giải quyết được phần nào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao.

L.Giang

Theo giới kinh doanh thép, giá thép xuất xưởng của Tổng Công ty Thép VN (khu vực TPHCM) hiện chỉ còn 14,55 triệu đồng/tấn (thép cuộn); 15,15 triệu đồng/tấn (thép cây). Tương tự, thép của Pomina còn 15,87 triệu đồng/tấn; Vina Kyoei còn 15,5 triệu đồng/tấn... So với tháng trước, giá giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn. Do giá thép từ nhà máy giảm mạnh nên giá bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng cũng chỉ còn 16,3 triệu đồng/tấn (trong khi lúc cao điểm, giá lên đến 22,5 triệu đồng/tấn).

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, dù giá đã giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ hiện vẫn rất thấp nên lượng hàng tồn kho của các DN trong hiệp hội rất lớn, gần cả triệu tấn (nguyên liệu phôi thép tồn kho khoảng 550.000 tấn, thép thành phẩm tồn kho hơn 400.000 tấn). Lượng hàng này tính ra đủ cung ứng cho những tháng cuối năm.

Nhiều DN đang kỳ vọng vào những tháng cuối năm, nhu cầu có thể tăng lên (do tốc độ xây dựng sẽ sôi động hơn) để có điều kiện tiêu thụ hàng. Tuy nhiên, theo ông Nghi, điều này khó xảy ra vì giá thép thế giới đang giảm cho nên khách hàng lớn có tâm lý là chờ giá giảm tiếp. Vào thời điểm giá thép còn nóng, giới đầu cơ đã trữ lượng hàng khá lớn, nay giá ngày càng giảm, họ phải tìm cách bung hàng ra để cắt lỗ.

Các công trình xây dựng cũng chưa thể sôi động trở lại vì các chủ đầu tư đang kẹt vốn do lãi suất ngân hàng quá cao... Bằng chứng là những lúc bình thường, lượng thép tiêu thụ cả nước lên đến 300.000 tấn- 372.000 tấn/tháng nhưng đến tháng 8 vừa qua chỉ còn 111.000 tấn và tháng 9 chỉ tiêu thụ được khoảng 100.000 tấn.

Càng sản xuất càng lỗ

Trước thực trạng trên, các DN sản xuất thép cũng bất lực vì không thể làm gì hơn mà chỉ còn cách giảm giá hằng tuần để đẩy hàng ra nhằm giảm lỗ. Chủ một DN sản xuất thép khá lớn tại TPHCM than: Hai tháng gần đây, DN này lỗ nặng và sắp tới sẽ còn tiếp tục bị lỗ.

Ông cho biết: Nguyên liệu phôi thép ký trước đó với mức giá 1.000 USD/tấn (nay giá chỉ còn 620 USD/tấn), đơn vị đã nhập về 60.000 tấn, đến nay gần như vẫn còn nguyên do thép tiêu thụ không được nên không dám đưa vào sản xuất.

Nếu đưa vào sản xuất thì với mức giá nguyên liệu cao như vậy, giá bán thép ít nhất phải 17 triệu đồng/tấn mới mong hòa vốn, còn bán giá 15 triệu đồng/tấn như hiện nay sẽ lỗ trên 2 triệu đồng/tấn (chưa kể các chi phí sản xuất khác, chi phí bán hàng cũng như lãi suất lãi ngân hàng...).

Tình hình trên cũng là tình hình chung của nhiều DN ngành thép hiện nay: Thép sản xuất bán không được, càng sản xuất nhiều càng lỗ nhiều. Ông Đào Đình Đông, Trưởng Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép VN (tại TPHCM), bức xúc: “Đơn vị tôi nhập chủ yếu phế liệu để sản xuất phôi (chiếm khoảng 75%) với mức giá trước đây lên đến 720 USD/tấn, nay giá phế liệu thép giảm còn 380 USD/tấn, tức giảm gần 50% cũng đồng nghĩa mức lỗ tương ứng”. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, do tình trạng càng sản xuất càng lỗ nặng nên hiện đã có 4 DN sản xuất thép tạm ngưng hoạt động. Nhiều công ty mỗi tháng chỉ hoạt động sản xuất vài ba ngày, chủ yếu để bảo trì máy móc.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường