Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường ngoại đe doạ đường nội
23 | 10 | 2007
DN sản xuất đường đã báo động như vậy tại một cuộc họp của Hiệp hội Mía đường VN tổ chức ở TPHCM tuần trước, nhất là khi ngành mía đường VN còn lúng túng trong quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh mặt hàng quan trọng này...

Mở cửa nhập khẩu

Tính đến tháng 10.2007, vụ mía 2007-2008, VN chế biến được 13,8 triệu tấn mía và sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn đường. Như vậy, sau 2 vụ trước (2004-2005 và 2005-2006), sản xuất của ngành mía đường giảm sút, thì 2 niên vụ mía gần đây, sản xuất đường đã tăng khá, với sản lượng cao nhất từ trước đến nay. So với niên vụ 2006-2007, số lượng mía chế biến của niên vụ 2007-2008 tăng 1,4 triệu tấn và số lượng đường sản xuất tăng 162.026 tấn. Một năm qua, lượng đường luôn đáp ứng nhu cầu thị trường và chế biến công nghiệp trong nước, không xảy ra thiếu đường cục bộ.

Tuy nhiên, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN - cho biết: Đối thủ cạnh tranh của đường VN trong năm 2007 sẽ là đường nhập chính ngạch theo cam kết WTO và AFTA. Tiếp theo là đường nhập lậu. Thời gian qua, có một số NM chế biến công nghiệp, tuy được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cấp phép NK 55.000 tấn đường theo cam kết WTO. Song đến nay, các DN mới nhập về khoảng 10.000 tấn, chưa đủ tác động mạnh đến đường nội, nên thị trường vẫn không xảy ra xáo trộn gì. Trong khi đó, số lượng đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và miền Trung vẫn xảy ra, nhưng chưa cơ quan nào thống kê số lượng bao nhiêu.

Theo cam kết WTO, năm 2008, VN phải mở cửa NK, với hạn ngạch tăng thêm 5%, nâng tổng số đường NK theo cam kết này thành 55.000 tấn + 5%. Thuế NK không thay đổi (60% với đường tinh luyện, 25% với đường thô). Theo cam kết AFTA, thuế NK giảm từ 30% năm 2007, xuống còn 20% vào năm 2008, với đường tinh luyện lẫn đường thô. Tất cả những yếu tố trên đã và đang đặt ra cho ngành mía đường VN nhiều thách thức.

Không ít lao đao

Muốn tồn tại, duy trì được sản xuất và ổn định thị trường như hiện nay, các DN, NM đường phải không ngừng nỗ lực, giảm chi phí sản xuất, giữ giá thành đủ cạnh tranh với giá đường thế giới. Một điều may mắn, trong cam kết WTO, phía VN còn được quyền phân bổ hạn ngạch cho đối tượng sử dụng cuối cùng. Nên năm 2008, cũng như năm 2007, nhằm bảo hộ ngành mía đường trong nước, Chính phủ chỉ cấp phép cho các NM chế biến công nghiệp nhập đường tinh luyện (hoặc đường cát trắng) làm nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy mà không xảy ra NK đường tràn lan, gây ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước. Nhưng theo một số chuyên gia, khi giá đường thế giới và Thái Lan giảm xuống bằng hoặc thấp hơn giá đường trong nước, ngành đường VN sẽ gặp không ít lao đao...

Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN, NM sản xuất đường phải hết mình cải tổ sản xuất, thiết bị công nghệ, quy trình sản xuất... mới có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng. Bằng không, trong một thời gian không xa, đường NK theo cam kết WTO và AFTA sẽ thật sự trở thành mối đe doạ cho đường nội.



Nguồn: thuonghieunongsan
Báo cáo phân tích thị trường