Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc chi tiền cho kinh tế toàn cầu: Nhận hay không?
29 | 10 | 2008
Theo giới phân tích, giữa lúc cơn bão tài chính đang hoành hành hiện nay, Trung Quốc (TQ) thật sự là “bán đảo ổn định”. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ (1.900 tỷ USD), TQ không những có thể “ung dung” duy trì tình hình kinh tế ổn định; mà còn có thể giúp đỡ các quốc gia phát triển vượt qua cơn khủng hoảng. Thế nhưng, Bắc Kinh có sẵn sàng không? và liệu những "ai" sẽ nhận thiện chí đó?

Hạ cánh an toàn 

Một điều bất ngờ là trong tình hình khủng hoảng tín dụng toàn cầu hiện nay, thì những cụm từ như "sụt giảm mạnh", "suy thoái kinh tế" lại dường như không nằm trong từ điển kinh tế TQ. "Sức khỏe" kinh tế của Trung Quốc được đánh giá là "quá ổn định và chắc chắn" với khả năng bảo vệ rủi ro bên ngoài cực cao và đáng tin cậy. 

Các khoản vay xấu hiện nay chỉ chiếm 5% trong tài sản các ngân hàng TQ, mà chủ yếu các ngân hàng này làm việc với thị trường trong nước. Năm 1997-1998, khi châu Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thì con số (các khoản nợ xấu) đó là 50%.

Sự phụ thuộc của TQ vào xuất khẩu không lớn như những gì chỉ nhìn thấy ban đầu. Theo số liệu chính thống, xuất khẩu chiếm 37% ngân sách của TQ và đó dường như là bánh lái chủ yếu cho nền kinh tế nước này. Thế nhưng, theo một cuộc khảo sát độc lập do UBS và Dragonomics tiến hành, tỷ lệ xuất khẩu chỉ chiếm 10% trong tổng GDP.

Do vậy bánh lái chủ lực của nền kinh tế TQ chính là nguồn đầu tư trong nước, chiếm 40% tổng GDP. Mặc dù một phần số đầu tư này nằm trong các dự án theo hướng xuất khẩu, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ không thể có ảnh hưởng lớn gì đến kinh tế TQ. 

Nợ nước ngoài của các công ty TQ không lớn, chỉ 87,6 tỷ USD tính trong tháng 3/2008, còn nợ trong nước cũng không làm các nhà kinh tế quốc tế phải lo lắng. Thặng dư ngân sách của TQ chỉ gần 1% vào năm 2007 và năm nay cũng xấp xỉ gần như vậy.

Arthur Kroeber, Giám đốc quản lý của Dragonomics, một công ty cố vấn và nghiên cứu độc lập về kinh tế TQ và ảnh hưởng của nó đến châu Á và toàn thế giới cho biết: Khả năng kinh tế TQ gặp phải các các trở ngại lớn là khó xảy ra. Thậm chí, nếu điều này có xảy đến, thì viễn cảnh - được xem là tồi tệ nhất đối với TQ - cũng chỉ là một năm tăng trưởng chậm và mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,25-6,5% trong vòng 5 năm tới. 

Ông Kroeber bày tỏ: “Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu - nếu gay gắt - có thể giúp TQ “hạ cánh an toàn” vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ mạnh nhưng đầy rủi ro. Thêm vào đó, mức giảm trong hoạt động tiêu dùng tại các nước công nghiệp hóa có thể có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu của TQ vì người tiêu dùng phương Tây sẽ chọn lựa các sản phẩm giá rẻ.

“Không quá chịu đựng”

Với sức mạnh về nguồn dự trữ lớn, TQ có thể kiếm lời, thậm chí là rất nhiều, nếu có các hành động mạnh mẽ lên thị trường toàn cầu. Nhưng các quan chức TQ dường như vẫn chưa sẵn sàng hành động, và phương Tây cũng không hăm hở đón nhận tiền của TQ đổ vào.

Bằng chứng của việc này đó là các thành tựu quốc tế quá khiêm tốn của tập đoàn đầu tư vốn nhà nước (CIC) và Quỹ đầu tư nhà nước. Năm 2007, CIC chi 3 tỷ USD mua công ty đầu tư của Mỹ Blackstone Group, và trả 5 tỷ USD mua 9,9% cổ phần của Morgan Stanley. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay khiến giá trị của hai tập đoàn này giảm xuống chỉ còn 1/3. 

Vài ngày trước, Công ty Bảo hiểm Bình An thông báo sẽ mua 50% cổ phần của ngân hàng Fortis và Tập Đoàn bảo hiểm. Bình An hiện nắm giữ 5% cổ phần trong Fortis và mất 2,3 tỷ USD do khủng hoảng.

Những thua lỗ của TQ từ các nguồn đầu tư nước ngoài khiến các quan chức TQ giật mình vì họ là người đưa ra “quyết định mua”. Tâm lý hoài nghi của TQ chủ yếu là do những do dự, và cân nhắc về mặt chính trị. Các nhà chính trị và người dân các nước phương Tây hiếm khi vui vẻ với việc TQ hợp tác mua các công ty của họ.

Đối tượng mua thường xuyên mua các tài sản nước ngoài nhất là Ban Quản lý Ngoại hối (SAFE) - một cánh tay đắc lực của ngân hàng nhân dân TQ. Theo tờ Sunday Telegraph, SAFE Investment giữ cổ phần tối thiểu trong hơn 1 nửa các công ty FTSE100 bao gồm Aviva, British Energy, Cadbury, the LSE, HSBC, Marks & Spenser, và Tesco.

Sunday Telegraph cũng cho hay SAFE Investment dự định chi 85 tỷ USD mua các tài sản nước ngoài giá rẻ, nhưng không ai biết họ sẽ mua tài sản nào.

Gao Xiqing, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của CIC phát biểu trong buổi phỏng vấn ít oi của ông với truyền hình phương Tây rằng: “Chúng tôi đã tham dự quá nhiều nhưng hầu như là không được biết tới. Như các bạn biết, văn hóa TQ là khiêm tốn, cố giấu cái “TÔI” và không quá chịu đựng để mọi người xâm phạm”.

Tái xây dựng thầm lặng trong ngành tài chính Mỹ

Dự trữ ngoại tệ của TQ tăng 85 tỷ USD hàng tháng. Do tính ổn định là ưu tiên số 1 trong phát triển đất nước của TQ, hệ thống tiền tệ của nước này hiện nay chưa thể cải cách và vì thế Ngân hàng Nhân dân TQ sẽ tiếp tục mua thu nhập xuất khẩu.

Cũng vậy, TQ sẽ không mua các tài sản nước ngoài với số lượng lớn, vì những lý do được đề cập ở trên - Sự cẩn trọng của các quan chức TQ và khả năng xảy ra những hậu quả không mong muốn về chính trị ở những nơi mà TQ đầu tư.

TQ, vì thế, có thể tiếp tục mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ hay chứng khoán của Chính phủ các nước châu Âu. Điều này có nghĩa rằng, việc tái xây dựng ngành tài chính Mỹ là do TQ trả. Đánh giá theo thâm hụt cán cân thương mại, mỗi một người dân Mỹ “nợ” 1 người dân TQ 4.000 USD, và tình trạng này khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

 



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường