Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Châu Á sẽ đẩy thế giới đi lên năm 2007
22 | 09 | 2007
Năm tới, nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ bất ổn. Nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các nước trong khu vực có đông dân số nhất thế giới và sự hỗ trợ đắc lực của châu Âu, kinh tế thế giới sẽ không đến mức khủng hoảng
 

Đó là dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế cho năm 2007.

Trong "thế giới mới", Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục đi lên. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990 ngày càng mờ dần trong ký ức. Còn ở "thế giới cũ", Nhật Bản sẽ mạnh trở lại, lướt trên làn sóng Trung Quốc, sau một thời gian xuống dốc của thập kỷ trước. Châu Âu cũng khởi sắc với đầu tàu là một nền kinh tế Đức gọn nhẹ và hiệu quả hơn.

"Xét từ nhiều góc độ, 2007 sẽ là năm mà Mỹ chuyển cây gậy chỉ huy sang cho phần còn lại của thế giới", các nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Mỹ Merrill Lynch dự đoán.

Giới kinh tế rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm tới, bất chấp xu hướng đi xuống của các thị trường Mỹ sau 10 năm phất liên tục. Nhưng không phải ai cũng cho là thế. Nouriel Roubini, giáo sư New York University, nói rằng đà đi xuống của kinh tế Mỹ đã gây ảnh hưởng rồi, và rằng thế giới sẽ bị cảm lạnh.

Tuy nhiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) đứng về phía các nhà kinh tế có cái nhìn lạc quan. IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 4,9% năm tới và 4,8% cho năm sau đó, giảm đôi chút so với mức trung bình 5% của ba năm vừa rồi.

Dẫn đầu các bảng số liệu kinh tế toàn cầu là các thị trường mới nổi, những nơi đang có tốc độ tăng trưởng gấp đôi các nước công nghiệp trong mấy năm qua.

Những dự đoán này được IMF đưa ra tháng 9 và OECD lặp lại trong báo cáo công bố tuần vừa rồi. Các ngân hàng đầu tư đang mơ hốt bạc trong năm nay, họ dự đoán sẽ không có tình trạng bong bóng từng dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt các công ty dot-com hồi năm 2000 hay tình thế suy giảm sau sự kiện 11/9/2001.

Ngân hàng Fortis của Hà Lan cho hay tình hình kinh tế chưa bao giờ sáng sủa như hiện nay kể từ thời 1960. Mức tăng trưởng hằng năm của thập kỷ 50 và 60 đạt gần 5%.

"Dự đoán con số này sẽ đạt được trong suốt vài ba năm nữa nghe có vẻ là hơi lạc quan quá. Nhưng đó chính xác là cái mà chúng ta sẽ thấy trên thực tế", đội ngũ chuyên gia kinh tế của ngân hàng này viết trong báo cáo.

Keith Skeoch, giám đốc Standard Life Investments, nhận xét rằng sau cú sốc năm 2000 không một ai có thể tưởng tượng được là các nhà đầu tư quay trở lại và đổ tiền vào cổ phiếu một cách nhanh chóng và thu lời lớn như vậy. Ông dự đoán sẽ ngày càng có nhiều người trở lại.

Thị trường cổ phiếu thế giới thu lợi nhuận 17,5% trong 11 tháng đầu năm nay, ông cho biết. Con số này lớn hơn lợi nhuận của việc đầu tư trái phiếu hay tiền mặt.

Trưởng chuyên gia kinh tế của OECD Jean-Philippe Cotis dự đoán năm 2007 sẽ là năm "tái cân bằng", từ chỗ kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc người tiêu dùng Mỹ mua sắm hàng hóa gì. Năm tới, sự thay đổi sẽ là cỗ máy Mỹ chậm lại, trong khi Á và Âu tăng tốc.

Ngân hàng Fortis nhấn mạnh rằng cách đây 5 đến 10 năm, các thị trường mới nổi chiếm gần 50% tăng trưởng kinh tế tòan cầu, nhưng nay con số đã là 70% - phần lớn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những năm 60 Trung Quốc còn đóng cửa với thế giới bên ngoài. Nay thì nền kinh tế thứ tư thế giới này đã và sẽ tăng trưởng ở mức trên dưới 10%. Ấn Độ cũng theo sát gót Trung Quốc. Nga và các nền kinh tế mới nổi khác cũng vậy, tăng trưởng nhanh chóng nhờ nhân công giá rẻ và phát triển thị trường mới, chi phí vận tải và thông tin tòan cầu rẻ.

Tuy còn một vài con số có thể đi xuống ở châu Âu, các chuyên gia đều chung nhận định rằng kinh tế thế giới sẽ có thời gian dài đi lên, tăng trưởng trong đầu tư và chi tiêu



Theo Dan tri
Báo cáo phân tích thị trường