Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp cam kết mua hết sữa nguyên liệu cho nông dân
11 | 10 | 2008
Tại hội nghị bàn về các giải pháp thu mua sữa tươi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đồng loạt ký cam kết sẽ thu mua toàn bộ sữa nguyên liệu cho nông dân.
Tuy nhiên, cũng thông qua diễn đàn này, một điều không mới nhưng vẫn được nhấn mạnh: các hộ nông dân cần ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp để hạn chế rủi ro từ những biến động trên thị trường.

30% sản lượng sữa vẫn "tự sản, tự tiêu"

Cho tới thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng đều khẳng định sữa bò tươi được sản xuất ở các hộ nông dân không nhiễm melamine. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn lâm vào tình trạng khốn đốn do không tiêu thụ được sản phẩm sữa.

Thừa nhận thực tế đó, nhưng ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, ngoài nguyên nhân do thông tin về sữa nhiễm melamine đã gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, doanh nghiệp không bán được sản phẩm nên hạn chế thu mua sữa nguyên liệu của dân, lỗi còn ở chính các hộ dân khi chưa thực sự gắn bó với các nhà máy.

Theo thống kê của Trung tâm phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội thì có tới 30% sản lượng sữa của các hộ sản xuất không được ký hợp đồng bán cho các công ty mà chủ yếu là tự tiêu thụ nhỏ lẻ.

Trong khi đó, đại diện các nhà chế biến đều cho rằng rất khó có thể thu mua sữa "ngoài luồng", vì khi thu mua các doanh nghiệp đều rất quan tâm tới quy trình chăm sóc cũng như cách vắt sữa để đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, thời điểm này lại rơi đúng vào chu kỳ sinh học của bò sữa (giai đoạn sinh sản), khiến sản lượng sữa cũng tăng cao hơn trước. Theo cục Chăn nuôi, hiện lượng sữa nguyên liệu dư thừa mỗi ngày lên tới 10 - 12 tấn, chiếm khoảng 1,2-1,5% lượng sữa toàn quốc.

Trước thực trạng trên, ông Giao khẳng định: “Các hộ dân không vào Hội chăn nuôi hay ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất”.

Còn theo kiến nghị của ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, doanh nghiệp cần giảm tỷ lệ sữa bột nhập khẩu, tăng mua hết sữa tươi cho nông dân (hiện sữa tươi mới chỉ chiếm 8 - 10% tổng nguyên liệu của các công ty). "Mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp là lợi nhuận, song, trong lúc khó khăn doanh nghiệp nên chia sẻ với bà con nông dân, nhất là thu mua hết sữa cho các hộ đã ký hợp đồng”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng cho rằng, thành phố không thiếu tiền hỗ trợ nông dân trong việc giải quyết những khó khăn, nhưng trong việc triển khai còn nhiều vướng mắc vì chưa thể thống kê sản lượng sữa cụ thể của từng hộ dân, hỗ trợ cho từng con bò lại gặp khó khăn khi xác định chu kỳ khai thác sữa. Còn nếu hỗ trợ thông qua hệ thống thu mua thì chính những hộ không bán được sữa lại không nhận được hỗ trợ. Do vậy, Sở sẽ có những chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn cho người nông dân và yêu cầu họ cần ký hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy. “Bão melamine” cũng chính là cơ hội để người dân làm quen với cách sản xuất bền vững.

Ngoài ra, để tránh tình trạng sữa ứ đọng, Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các doanh nghiệp cần cam kết mua hết sữa cho các hộ dân có hợp đồng. Đối với những hộ dân chưa có hợp đồng song có mong muốn ký kết, doanh nghiệp cũng nên khuyến khích những đối tượng này.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền, khuyến khích người dân chăn nuôi bò sữa tốt, đảm bảo chất lượng. "Chúng ta ủng hộ những người nông dân sản xuất chân chính chứ không tiếp tay cho những người chăn nuôi gian dối, làm ra sản phẩm kém chất lượng”, ông Giao nhấn mạnh.

Sẽ thu mua toàn bộ sữa nguyên liệu

Ngay tại hội nghị trên, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sữa lớn phía Bắc như Vinamilk, Hanoimilk, Sữa Quốc tế, Anco, Mộc Châu đã đồng loạt cam kết sẽ tiêu thụ hết sữa nguyên liệu cho nông dân.

Ông Đặng Minh Tuấn, Phó giám đốc Hanoimilk, khẳng định tất cả các hợp đồng thu mua sữa tươi đã ký Hanoimilk vẫn thu mua bình thường, kể cả khi lượng sữa tăng 5 - 10% so với bình thường.

Còn đại diện Công ty Sữa Quốc tế (IDP), ông Phan Sỹ Minh, cam kết: “Công ty sẽ tiêu thụ hết sữa tồn đọng của người dân ở Ba Vì. Một số vùng khác như Phù Đổng (Gia Lâm) sản lượng thu mua của IDP cũng tăng thêm 40-50%”.

Bà Nguyễn Thị Như Hằng, Phó tổng giám đốc Vinamilk, cũng cho biết, các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở Hà Nội công ty sẽ tiếp tục thu mua bình thường. Riêng một số hộ trước đã ký với công ty, sau chuyển sang đơn vị khác, nay muốn quay trở lại, Vinamilk sẽ phải kiểm tra rất kỹ chất lượng đầu vào.

Riêng Công ty Sữa Mộc Châu còn chính thức đề nghị sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng sữa mà các công ty khác không mua hết.
 


Nguồn: www.vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường