Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lãi suất tăng, khó khăn cho doanh nghiệp
20 | 07 | 2007
Với hai lựa chọn: cắt giảm lãi suất huy động hoặc tăng lãi suất cho vay để bù đắp chi phí vốn từ việc phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hầu hết các ngân hàng (NH) thương mại đang nghiêng về lựa chọn tăng lãi suất đầu ra
Đến nay hầu hết các NH thương mại đều bắt đầu tăng lãi suất ở các kỳ hạn tuần và trên 12 tháng. Các NH cho rằng kênh huy động vốn đang bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều kênh đầu tư khác, nên việc giảm lãi suất huy động từ đây đến cuối năm là rất khó. Vì vậy để đảm bảo cân đối lợi nhuận trong kinh doanh, các NH buộc phải nghĩ đến bài toán tăng lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó tổng giám đốc Eximbank, thừa nhận trước áp lực chi phí đầu vào đang đội lên nên Eximbank cũng đang tính đến việc tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tăng lãi suất đầu ra đang là bài toán đau đầu cho NH, buộc các NH phải tính toán sao cho phù hợp, không gây sốc cho khách hàng vay.
“Rõ ràng việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã phần nào ảnh hưởng đến chương trình tín dụng và chiến lược của NH. Bởi ngay từ đầu năm, Eximbank có kế hoạch sử dụng chính sách lãi suất cho vay hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp, giờ xem ra không làm được. Nhiều dự án của doanh nghiệp mở rộng đầu tư, NH cam kết sẽ cấp hạn mức tín dụng nhưng giờ doanh nghiệp và NH phải tính toán lại…” – ông Hương nói.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết thực hiện được việc này không phải là điều đơn giản đối với các NH vì sẽ khó thu hút được người vay vốn, còn cắt giảm lãi suất huy động lại khó khăn hơn trong việc huy động tiết kiệm. gần đây nhiều NH đã tăng lãi suất huy động ngoại tệ, buộc OCB cũng phải tính đến phương án tăng theo. Trước cuộc đua tăng lãi suất huy động ngoại tệ thời gian qua của các NH, dự báo thời gian tới sẽ có “làn sóng” tăng lãi suất cho vay ngoại tệ. Điều đó cũng báo hiệu nguy cơ người vay sẽ thêm gánh nặng trả lãi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thực tế hiện nay các nhà nhập khẩu chủ yếu vay vốn NH để hoạt động nên việc NH tăng lãi suất cho vay, càng làm khó cho doanh nghiệp. Thời điểm này cũng đang là mùa cao điểm nhập khẩu, rất dễ xảy ra tình trạng khi hàng về đến Việt Nam nhưng giá bán trong nước thấp hơn giá nhập khẩu. Nếu không chịu bán ra, doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí lãi suất.
Theo Phó giám đốc một NH, lãi suất vay ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận các doanh nghiệp và không loại trừ việc nhà sản xuất tính đến chuyện ngưng và hạn chế đầu tư. Còn theo nhận định của các chuyên gia, về dài hạn các nhân tố tác động làm tăng lãi suất sẽ tiếp tục xuất hiện, bởi lãi suất trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng (lãi suất EUR, Bảng Anh đều tăng…). Dự báo lãi suất của FED không giảm (do nền kinh tế Mỹ hồi phục) mà có xu hướng tăng trong thời gian tới. Về lâu dài các NH cũng không thể tăng mãi lãi suất cho vay liên tục tương ứng với lãi suất huy động vì điều này càng mang lại nhiều rủi ro cho NH.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường