Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê gặp khó
07 | 05 | 2008
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đắk Lắk đang gặp khó khăn do lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao trong khi doanh số, lợi nhuận từ xuất khẩu đang giảm
Khó vì lãi, vướng vì quy định

Nguồn vốn kinh doanh xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp lâu nay chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của ngân hàng. Trong vài tháng qua, lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng ở Đắk Lắk tăng cao, hiện lên đến 13% - 22%/năm, so với mức lãi suất trước đây khoảng 11,4% - 15%/năm. Muốn có vốn để thu mua cà phê xuất khẩu, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải bấm bụng đi vay.

Theo ông Lê Tiến Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư xuất nhập khẩu 2-9 (Công ty 2-9), chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu cà phê lại gặp khó khăn như hiện nay, ông đánh giá, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với việc biến động giá cà phê trên thị trường thế giới nhưng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, doanh nghiệp gần như "bó tay". Trước đây, Công ty 2-9 vay ngoại tệ với lãi suất từ 0,5 - 0,6%/tháng sau đó đổi ra tiền đồng để mua hàng nội địa nên giá thành xuất khẩu khá "nhẹ nhàng". Nhưng nay theo quy định mới, doanh nghiệp xuất khẩu không được vay ngoại tệ mà chỉ được vay tiền đồng nên lãi suất vay đã trở thành sức ép lớn. Với việc trả lãi vay ngân hàng từ 1,3 - 1,5%/tháng, giá thành hàng xuất khẩu đã đội lên rất nhiều, trong khi giá xăng dầu, chi phí lưu thông cũng tăng cao. Ông Hùng tính toán, với giá cà phê hiện nay khoảng 33.000 đồng/kg thì mỗi kg doanh nghiệp phải mất gần 500 đồng tiền trả lãi vay vốn mua hàng, trong khi trước đây chỉ trả khoảng 200 đồng khi vay ngoại tệ (với lãi suất 0,5 - 0,6%/tháng).

Nhiều doanh nghiệp giảm xuất khẩu

Theo ông Lê Tiến Hùng, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê nước ngoài với lợi thế lớn về vốn đã mở đại lý mua cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, thu hút mạnh lượng cà phê trong dân do đưa ra giá mua cao, các doanh nghiệp "bản địa" không thể cạnh tranh về giá mua hàng đành giảm lượng xuất khẩu. Vào thời điểm này năm ngoái, Công ty 2-9 xuất khẩu được 96.000 tấn cà phê nhân, thì 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 55.000 tấn.

Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, đơn vị đứng đầu về xuất khẩu cà phê trong cả nước, cũng lo lắng trước tình hình lãi vay ngân hàng tăng cao. Ông Tiến cho rằng, việc không cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ là một thiệt thòi lớn cho họ. Hiệu quả xuất khẩu cà phê năm nay giảm rõ rệt. Năm 2007, Công ty cổ phần đầu tư - xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên xuất khẩu được 180.000 tấn, nhưng năm nay khả năng chỉ hơn một nửa số đó. Trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở, tự cứu mình là chính, bằng mối quan hệ với các ngân hàng cho vay với lãi suất có lợi nhất, giảm các chi phí không cần thiết để hạ giá thành đầu vào, nếu không sẽ không thể bảo đảm hiệu quả kinh doanh, giữ được tiến độ xuất khẩu.


Nguồn: Thanh Niên Online

Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường