Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gửi cà phê cho... ác
23 | 04 | 2008
Đợt giá cà phê tăng cao trong tháng 3 vừa qua là niềm vui đối với người làm cà phê. Nhưng với một số người ở xã Ea Knuếch, huyện Krong Pak (Đăk Lăk) thì ngược lại. Nguyên nhân là, họ đã ký gửi cà phê vào một doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhưng khi cà phê lên tới 40.000 đồng/kg, họ đến "chốt giá" bán ra, thì doanh nghiệp không chịu thanh toán giá đó như đã thoả thuận. Vậy là, mỗi hộ mất trắng vài trăm triệu đồng.
Lâu nay, người dân Tây Nguyên có thói quen, cứ thu hoạch cà phê xong, nếu chưa cần bán ra là họ sẽ trữ hàng lại bằng cách, mang ký gửi vào kho của các doanh nghiệp. Với thoả thuận, bất cứ khi nào cần, người gửi đều có thể đến "chốt giá" bán cho chủ doanh nghiệp, với giá tại thời điểm đó. Cách giao dịch này thuận lợi cho cả hai phía, người gửi thì có có nơi bảo quản, lại được nhận trước một số tiền tạm ứng; còn phía doanh nghiệp thì thu gom trước được một lượng hàng lớn để kinh doanh.

Thế nhưng, điều đáng nói là không ít doanh nghiệp đã lợi dụng lòng tin của người dân. Khi làm ăn có lãi thì không sao, nhưng khi thua lỗ thì không chịu thanh toán cho người gửi theo như thỏa thuận. Và trong đa số trường hợp, người dân không biết làm gì ngoài im lặng chịu thiệt, bởi hầu hết đều là hợp đồng miệng, hoặc điều kiện không rõ ràng, có muốn kiện doanh nghiệp ra Toà cũng khó.

Bà Nguyễn Thị Đào, xã Ea Knuếch, huyện Krong Pak, Đăk Lăk cho biết: "Chúng tôi đã gửi ba chục tấn, nhưng bây giờ chỉ thu về bốn trăm mấy chục triệu...".

Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà từ nhiều năm nay, tại Đăk Lăk có nhiều vụ tương tự đã xảy ra. Một số doanh nghiệp cũng đã bị kiện ra toà, nhưng phần lớn đều rơi vào im lặng. Bởi với những hợp đồng không rõ ràng, hoặc tệ hơn là chỉ hợp đồng miệng, thì người dân không có cách nào nhờ pháp luật can thiệp.

Mặt khác, nhiều khi những người ký gửi cũng lại là các thương nhân buôn bán cà phê, họ không muốn làm "to chuyện" vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.

Ông Hồ Vi, Giám đốc Công ty TNHH Lai Vi cho biết: "Con số người bị lừa không chỉ mình tôi, mà chắc chắn vài chục người, nhân lên cũng đến vài tỷ. Riêng gia đình tôi gửi 3 tấn, em ruột tôi 5 tấn, anh trai 5 tấn, vậy là đã tới 13 tấn rồi. Tôi cảnh báo bà con thế này: Nếu có cà phê thì đừng gửi nữa, mà nên gửi vào những cơ sở đàng hoàng...".

Không đến mức cực đoan như ý kiến của người đã từng là nạn nhân của kiểu lừa đảo này, nhưng rõ ràng, người dân có cà phê cần hết sức thận trọng khi quyết định ký gửi cà phê vào các doanh nghiệp. Nếu có thì cần cân nhắc, lựa chọn những doanh nghiệp lớn, có uy tín, nếu không công sức, tài sản bỏ ra sẽ bị tước đoạt một cách vô lý. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có những cảnh báo về vấn đề này và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm để tránh thiệt thòi cho người dân.


Nguồn: VTV.VN

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường