Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN nước ngoài mua nông sản: Phá độc quyền, tăng lợi nhuận
01 | 10 | 2011
“Phá thế độc quyền, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) khẳng định như vậy sau khi công ty thủy sản Iceland là Portunas mua lại một nhà máy chế biến cá tra tại Việt Nam.

Theo ông Nguyên, đây là bước đột phá mới, giúp phá vỡ thế độc quyền đã tồn tại nhiều năm nay trong lĩnh vực thu mua cá tra, tăng cạnh tranh về thu mua nguyên liệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Phá thế độc quyền

Theo ông Nguyên, không riêng gì ngành sản xuất cá tra mà các ngành hàng khác như cà phê, lúa gạo, tiêu, điều, cao su…, (gọi chung là ngành nông nghiệp) muốn phát triển, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân, nhất thiết phải có cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền trong tiêu thụ nông sản của nhà nông. Việc tham gia thu mua nguyên liệu trên thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) sẽ giúp phần nào tạo môi trường cạnh tranh hiệu quả nhất cho chính các doanh nghiệp trong nước.

Cùng suy nghĩ như vậy, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói: “Cho các DNNN tham gia vào ngành nông nghiệp ở Việt Nam sẽ giúp phá thế độc quyền của các doanh nghiệp trong nước mà lâu nay hoạt động dưới sự “bảo hộ” của các hiệp hội ngành nghề”.

Nhờ chính sách bảo hộ không ít thì nhiều mà các doanh nghiệp trong nước đã bắt tay nhau, cùng thu gom nông sản của người nông dân để chế biến xuất khẩu. Vì vậy không tạo được cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nguyên liệu. Do vậy, thực tế lâu nay, lợi nhuận của nông dân trong chuỗi giá trị “trang trại - nhà máy - xuất khẩu” rất thấp, đây là lý do làm cho nông dân không ổn định sản xuất, chạy theo phong trào, “chặt trồng, trồng chặt”.

Việc công ty thủy sản Iceland là Portunas mua lại một nhà máy chế biến cá tra tại Việt Nam là một bước đột phá mới, giúp phá vỡ thế độc quyền đã tồn tại nhiều năm nay, tăng cạnh tranh về thu mua nguyên liệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, theo ông Bảnh, DNNN đầu tư vào Việt Nam muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi phải có năng lục tài chính đủ mạnh, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định … chứ không phải doanh nghiệp nào cũng thành công.

“Xưa nay, các hiệp hội ngành nghề cũng chỉ đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp trong nước, thậm chí là một nhóm lợi ích, không quan tâm đến lợi ích của người nông dân thực sự. Nếu có một DNNN tham gia vào thị trường nông sản Việt Nam, đầu tư bài bản, có chiến lược phát triển…, sẽ giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân”, ông Nguyên nói.

Có lợi cho nông dân

Trong nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè… đã có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài và gần như trong lĩnh vực nào càng có sự tham gia nhiều của loại hình doanh nghiệp này thì môi trường cạnh tranh, thị trường nông sản của ngành hàng đó ít gặp cảnh nông dân bị ép giá.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, việc DNNN tham gia vào ngành nông nghiệp ngày càng nhiều là tiền đề giúp phá vỡ thế độc quyền trên thị trường nông sản đầu vào cho chế biến xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho người nông dân trong chuỗi giá trị nông sản mà mình tham gia.

“Khi có sự tham gia của các DNNN, tức có cạnh tranh về nguyên liệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, nghĩa là có nhiều đầu mối thu gom nông sản cho người nông dân. Điều này sẽ có lợi cho người nông dân làm ra sản phẩm nông nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp trong nước, muốn tồn tại buộc họ phải tăng giá thu mua, chế biến gia tăng giá trị để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường”, ông Bảnh cho hay.

Trao đổi, thảo luận trên chuyên trang Nông sản của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều bạn đọc là những nông dân tham gia sản xuất ở nhiều ngành hàng như cà phê, cao su, lúa gạo, thủy sản…, đều tán đồng việc các DNNN tham gia vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Bạn Hàm Rồng cho biết: “Những phản hồi mà bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến đều cho rằng có cạnh tranh trong mua bán (có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài) thì người sản xuất sẽ được lợi hơn”.

Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ một hầm cá ở huyện Châu Phú, An Giang nói: “Có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài đồng nghĩa với có cạnh tranh về giá, đây là một tất yếu của nền kinh tế thời hội nhập khi Việt Nam đã gia nhập WTO, một sân chơi lớn”.

  Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường