Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Cuộc chiến" với DN cà phê nước ngoài: DN Việt tồn tại được bao lâu?
24 | 10 | 2011
Còn khoảng một tuần nữa VN chính thức bước vào niên vụ cà phê 2011 – 2012. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giành vùng nguyên liệu cà phê (đặc biệt trên Tây Nguyên) đang nóng hơn bao giờ hết khi DN nước ngoài đang ở thế “bề trên” với tiềm lực kinh tế hùng mạnh. Chỉ trong vòng 2 năm, từ con số 10%, các DN nước ngoài đã giành trên 50% thị phần thu mua cà phê tại VN, đẩy DN trong nước vào đường “tử”!
KHÔNG CÂN SỨC!
Ngay trước vụ thu hoạch cà phê mới, Câu lạc bộ 20 DNXK cà phê hàng đầu VN (CLB G20) đã có cuộc họp “nóng”. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) đặt câu hỏi: Niên vụ cà phê 2011 – 2012 đã đặt DN VN vào tình thế phải trả lời rằng, bằng cách nào để chúng ta tồn tại? “Tôi đặt ra điều này bởi vì trong niên vụ 2010 – 2011, hàng loạt các DN lớn của VN đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều DN bất lực không vượt qua được những chướng ngại bất lợi về mặt tài chính, lãi suất ngân hàng, dẫn đến hạn chế trong khả năng thu mua, kinh doanh và để DN nước ngoài liên tiếp giành lấy thị phần!” – ông Nam phát biểu.
Theo ông Nam, chỉ cách đây 2 năm, thị phần thu mua cà phê của DN nước ngoài tại VN chỉ trên 10 % thì nay họ đã tăng trên 50%! Minh chứng rõ nhất là trong niên vụ 2010 – 2011, chỉ đến tháng 4/2011 toàn bộ lượng cà phê trong dân đã được bán hết, trong kho của DN VN lượng hàng cũng không nhiều, bởi phần lớn đã được DN nước ngoài thu gom sạch sẽ. Ông Nam thừa nhận, ngay cả một số DN nằm trong CLB G20 do thiếu tài chính, cũng phải chịu cảnh đi buôn theo kiểu hợp thức hóa giấy tờ cho DN nước ngoài trữ hàng hưởng lợi.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó TGĐ TCty Cà phê VN (Vinacafe) nhấn mạnh, vụ cà phê đã đến nhưng ngân hàng lại siết chặt tín dụng, đặc biệt là họ đưa ra yêu cầu DN có hợp đồng mới cho vay vốn. Chưa nói đến chuyện lãi suất cao, chỉ với yêu cầu này đã bắt DN trong nước phải lao vào cuộc đua bán cà phê kỳ hạn với độ trừ lùi ngày càng nhiều và rất dễ thua lỗ.
Để minh chứng, ông Hoàng ví dụ: Trong niên vụ 2010 – 2011, hàng loạt DN cà phê do tham gia kinh doanh trừ lùi, mua vào giá trên 50 triệu đồng/tấn nhưng sau đó giá thị trường London sụt giảm khiến thua lỗ nghiêm trọng. Vì thế, nếu cứ kinh doanh theo hình thức này thì sớm muộn DN trong nước sẽ đi đến con đường tử. “Lời giải ở đây là phải có ngân hàng “chung tay” với DN, thực hiện nhanh kế hoạch thu mua 300.000 – 400.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng DN nước ngoài thu gom hết” – ông Hoàng nói.
Tương tự, ông Trịnh Ngọc Minh – Phó TGĐ Cty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) khẳng định, các DN nước ngoài thể hiện việc thắng thế rất rõ khi họ thiết lập hệ thống mua hàng, chân hàng rải đều ở tất các các địa phương có cà phê. Thậm chí, họ còn chuyển sang “bắt nạt” các DN VN khi sẵn sàng không trả tiền theo hợp đồng (một hình thức chiếm dụng vốn) khiến DN VN phải vất vả đi đòi. Đây là chuyện trước năm 2010 chưa bao giờ xảy ra và hầu hết các DN VN đều bị “dính đòn” này.
“Họ gây khó khăn cho DN VN, đồng nghĩa tạo ra cơ hội cho họ dần độc chiếm thị trường để “độc lập tác chiến” thu mua và kinh doanh cà phê ngay trên đất VN” – ông Minh nói.
NỖI LO MANG TÊN “DAKMAN”!
Theo ông Đỗ Hà Nam, các DN nước ngoài đang tung nhiều tin bất lợi, tạo bộ mặt rất xấu cho DN VN để nước ngoài từ chối làm ăn với DN trong nước và đẩy khách hàng về phía họ. Đặc biệt, họ còn tung thông tin lượng cà phê dự trữ toàn cầu dư dả, vụ mùa cà phê VN trúng lớn nên giá sẽ giảm mạnh. Người nông dân mới nghe đã hoảng hốt, chắc chắn tạo nên làn sóng báo tháo cà phê để tránh thiệt hại và DN cà phê nước ngoài sẽ “ngư ông đắc lợi” thu mua hết với giá thấp, sau đó sẽ dần thay thế vai trò điều tiết thị trường cà phê VN.
“Cái khó nhất hiện nay là nhiều địa phương vùng trọng điểm cà phê đang có quan điểm bảo vệ DN nước ngoài vì cho rằng: DN nước ngoài mua giá cao hơn. Nhưng các địa phương lại không hiểu rằng, trước khi thu mua, DN nước ngoài đã tung ra những thông tin hết sức bất lợi khiến giá sụt giảm và lúc đó họ nhảy vào đóng vai trò “cứu tinh” khi thu mua cà phê cho nông dân. Với lợi thế lãi suất chỉ 2 – 3% so với DN VN phải chịu lãi suất trên dưới 20%, các DN nước ngoài dễ dàng đánh bại hoàn toàn DN VN” – ông Nam nói.
Điều đáng bàn, trước đây các DN nước ngoài phải “lách luật” (cấm mua trực tiếp) bằng cách tổ chức cho người VN đăng ký kinh doanh (nhưng bằng tiền của họ) và thành lập các HTX để thu mua một cách công khai; thì vừa qua, họ hồ hởi ra mặt khi UBND tỉnh Đăk Lăk chính thức đề nghị Bộ Công Thương cho phép một DN nước ngoài là Cty Dakman được trực tiếp thu mua cà phê của nông dân.
Lời “tuyên chiến” công khai và được tỉnh có sản lượng cà phê số 1 của Tây Nguyên tạo điều kiện hợp thức hóa, đã đẩy DN VN vào thế “tồn tại hay không tồn tại”. Đơn giản là vì không chỉ có Dakman, hàng loạt các “đại gia” khác như Amazaro, Newman Group, Olam, Hà Lan… cũng đang chuẩn bị sẵn “khí tài” để hạ gục DN trong nước, độc chiếm hoàn toàn vùng nguyên liệu.
Liên quan đến việc thời gian gần đây, nhiều DN nước ngoài chiếm dụng vốn của DN VN (mua hàng nhưng không trả tiền đúng hạn, NNVN đã phản ánh), ông Trịnh Ngọc Minh – Phó TGĐ Maseco thẳng thắn cho rằng: Sở dĩ có chuyện này là do các DN trong nước luôn chấp nhận chịu “lép vế” khi ký hợp đồng. Vì thế khi đưa ra xử lý tranh chấp, DN trong nước thường chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí thua đau.
Ông Minh đề xuất các DN VN phải sớm sử dụng chung một mẫu hợp đồng thống nhất, loại bỏ hết các yếu tố bất lợi phi lý khi ký kết mua bán cà phê với DN nước ngoài. Ngoài ra, các DN VN cũng cần xác định rõ người đại diện cho Cty nước ngoài khi ký hợp đồng có thực sự chịu trách nhiệm pháp lý cho công ty của họ hay không? “Từ trước đến nay, người đại diện ký hợp đồng không hề có giấy ủy quyền của Cty mẹ, cũng không xác nhận quyền hạn của ông này đến đâu. Vì thế, tự DN VN đang làm khó chính mình khi có tranh chấp” – ông Minh nói.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường