Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vai trò của hiệp hội trong xuất khẩu nông sản - Bài 1: Khuyến cáo hay thực quyền?
17 | 11 | 2009
Việt Nam là quốc gia thuộc tốp dẫn đầu trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như hồ tiêu và nhân điều (số 1 thế giới), gạo và cà phê (số 2 thế giới), cao su (thứ 4), gỗ và lâm sản (thứ 2 vùng Đông Nam Á, riêng cá tra thì gần như độc chiếm từ trước đến nay). Khi Việt Nam hội nhập vào thị trường thế giới, nhất là từ khi trở thành thành viên của WTO, các hiệp hội ngành nghề có vai trò ngày càng quan trọng trong việc xuất khẩu nông sản. Thời gian qua, tuy mỗi hiệp hội có cách điều hành khác nhau nhưng đều chịu nhiều sức ép hay phản ứng từ chính doanh nghiệp và dư luận.

VASEP và nỗi ám ảnh bị kiện bán phá giá

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thủy sản là lĩnh vực có sự đột phá và hội nhập sâu vào thị trường thế giới khá sớm.

Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) kỷ niệm 11 năm thành lập. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cảnh báo với toàn thể hội viên VASEP, việc các nước châu Âu dọa kiện các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bán phá giá cá tra (và ba sa dạng phi lê) đang là một nguy cơ treo lơ lửng. Đó là hậu quả của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN nhằm tranh giành khách hàng dẫn đến việc giảm giá bán cá tra xuất khẩu.

Ông Lương Lê Phương cho biết thêm, nếu điều này xảy ra thì đó là “vết xe đỗ” mà các DN vẫn không chịu rút ra bài học đau thương trước đó, khi bị Hiệp hội Cá nheo Mỹ kiện DN Việt Nam ra tòa án thương mại của Mỹ về hành vi bán phá giá cá tra ảnh hưởng đến người nuôi cá da trơn ở Mỹ. Hậu quả là giá cá tra xuất vào nước này bị đánh thuế rất cao (trên 45%).

Việc bị xử thua kiện là bất công, vì thực chất cá tra Việt Nam không có được sự hỗ trợ từ nhà nước, nhưng vì DN đua nhau giảm giá bán dẫn đến hậu quả này. Chưa kịp ổn định, ngay sau đó, các DN xuất khẩu tôm sú đông lạnh lại bị kiện bán phá giá vào thị trường Mỹ cũng vì hành vi tương tự. Nếu khác là có cả Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador… cùng bị kiện.

Hậu quả của việc này là các DN xuất khẩu 2 mặt hàng trên phải mất một thời gian mới có thể phục hồi lại việc xuất khẩu nhờ mở được thị trường mới.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VASEP, nghịch lý của con cá tra ở chỗ, không có quốc gia nào cạnh tranh với Việt Nam, việc giảm giá bán vừa qua đều do tự hại nhau. Xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ chỉ có vài đại gia, nhưng đến nay những DN này vẫn chưa chịu ngồi lại để bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ thương hiệu con cá tra Việt Nam.

Vì sao chúng ta đang độc quyền mặt hàng cá tra nhưng lại bán như với tư cách của người bị lệ thuộc!? Không thể tiếp tục để xảy ra việc giá cá tra “bèo” đến mức không tưởng tượng được. Từ 5 USD/kg phi lê khi mới xuất khẩu đến nay chỉ còn hơn 2 - 3 USD/kg, có thị trường chỉ bán 1,8 USD/kg!

Ông Lê Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (VD Food) bức xúc cho biết, chính hội viên VASEP thống nhất giá sàn khi ký với đối tác nước ngoài, nhưng mỗi lần tới hội chợ quốc tế thủy sản Vietfish là thêm nguy cơ có DN phá rào, giảm giá bán để kéo khách hàng nước ngoài. Một hành động tự chúng ta làm khó chúng ta và làm khổ cho cả bà con nông dân.

Giảm giá xuất đồng nghĩa với việc giảm giá mua cá nguyên liệu của người nuôi. Vì không ai quản lý được giá bán và chưa có biện pháp chế tài những DN cố tình giảm giá nhờ bán sản phẩm chất lượng kém (nguyên liệu là cá chết, cá ngộp, tỷ lệ mạ băng phi lê cá lên đến 30% thay vì chỉ 10%…), ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh cá tra Việt Nam.

Trong khi những DN làm ăn chân chính, chuyên làm mặt hàng này mất nhiều công sức để có được chứng nhận về chất lượng, có code xuất vào những thị trường khó tính như châu Âu thì những DN “tay không bắt giặc” thấy mặt hàng nào có lợi là nhảy vào, giành khách hàng thông qua cách làm theo kiểu “ăn xổi”.

Hiệp hội cần có thực quyền?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP cho biết, hầu như các nước đều có quy định, DN tham gia xuất khẩu ngành hàng nào phải là hội viên ngành hàng đó. Nhà nước cần tác động vào vấn đề này, tạo điều kiện để hiệp hội có thực quyền hơn nhằm xử lý quyết liệt với những DN cố tình làm ăn gian dối, làm mất uy tín cộng đồng DN và cả ngành nuôi cá tra, không thể tự do một cách vô tổ chức.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản số 1.
Ảnh: Cao Thăng

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh nêu trường hợp Na Uy - quốc gia xuất khẩu cá hồi số 1 thế giới và cho rằng, có thể tìm hiểu và học hỏi cách điều hành của hiệp hội nuôi cá hồi Na Uy. Họ quy định rất nghiêm ngặt, chỉ có DN trong hiệp hội ngành nghề mới được quyền xuất khẩu mặt hàng đó theo đúng quy chuẩn, nếu vi phạm sẽ bị hiệp hội tẩy chay, loại khỏi tổ chức.

Điều này đồng nghĩa với việc DN ấy sẽ không được xuất khẩu mặt hàng này. Đó là sự chế tài mà các DN phải tuân thủ luật chơi. Ở Malaysia và nhiều nước khác, hiệp hội cũng có thực quyền để điều hành theo hướng “gác cổng” này.

Tương tự, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong phiên họp mới đây về việc chuẩn bị niên vụ cà phê 2009-2010, nhiều DN đề xuất, VICOFA nên đề nghị Chính phủ cho quy định giá sàn xuất khẩu. Cũng như mặt hàng cá tra và tôm sú, DN kinh doanh cà phê mạnh ai nấy bán, dẫn đến giá cà phê Việt Nam luôn bán thấp hơn thị trường thế giới hàng trăm đô la/tấn do nhà nhập khẩu nắm được “thóp’ của các DN Việt Nam.

Một trong những cách bán phổ biến, nhưng bất hợp lý tồn tại nhiều năm qua trong xuất khẩu cà phê là hợp đồng bán trừ lùi. Dù mới bước vào niên vụ 2009-2010 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) nhưng đã có không ít DN bán trừ lùi lên đến 120 USD/tấn cách nay 1 tháng, sau đó giảm xuống còn 80 USD/tấn và hiện nay khoảng 70 USD/tấn. Việc bán trừ lùi nhiều hay ít tùy thuộc vào thương thảo của từng DN và thời điểm.

Theo ông Vân Thành Huy, Tổng Giám đốc INEXIM Đắc Lắc, dù hợp đồng giá bán trừ lùi giảm xuống, nhưng không có nghĩa là “thắng lợi” về phía DN Việt Nam khi nhà nhập khẩu nắm chắc đằng chui, luôn có một khoảng an toàn nếu thị trường biến động.

Do chủ yếu là xuất khẩu cà phê Robusta nên các công ty Việt Nam đa số đều tham gia giao dịch cà phê ở thị trường London và theo phương thức mua bán kỳ hạn, nhưng do ít kinh nghiệm, thiếu sự liên kết, cũng như chưa có nhà tư vấn tốt… nên dễ bị nhà nhập khẩu dồn vào một “rọ” để “nhốt” và ép thực hiện hợp đồng có lợi cho họ như tháng 10-2008 và tháng 6-2009.

VICOFA nhiều lần khuyến cáo DN hạn chế bán trừ lùi và không nên bán cà phê kỳ hạn quá xa, nhưng điều mà nhiều DN đề nghị là cần có giá sàn và được giao thực quyền như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) làm nhiệm vụ “gác cổng”.

Theo Chủ tịch VICOFA Lương Văn Tự, thực chất của giá sàn là để bảo vệ lợi ích của những nước có sản phẩm mà lại chưa có trình độ thương mại quốc tế ngang với những đối tác mua hàng.



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường