Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá nông sản dưới sức ép đầu cơ tài chính
16 | 08 | 2010
Giá lương thực thực phẩm lại bị đẩy lên cao do các quỹ phòng hộ (hedge-fund) nhận thấy có thể thu lợi kếch xù từ việc đầu cơ nông sản.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế lùi dần vào quá khứ, hoạt động đầu cơ nông sản lại bùng phát mạnh mẽ; giá lương thực thực phẩm lại bị đẩy lên cao do các quỹ phòng hộ (hedge-fund) nhận thấy có thể thu lợi kếch xù từ việc đầu cơ nông sản.
Vua ca-cao

Ở khu phố thượng lưu Mayfair của thành phố Luân Đôn, doanh nhân Anthony Ward có một cuộc sống thật sang trọng. Tài sản của ông chủ yếu sinh ra từ việc kinh doanh ca-cao. Ông trùm 50 tuổi này, được coi là “vua ca-cao”, lãnh đạo công ty Armajaro - một công ty kinh doanh nông sản kiêm quỹ phòng hộ mà ông thành lập năm 1998. Trong vài tuần gần đây, Armajaro gây sốc cho thế giới kinh doanh nông sản khi ông Ward quyết định bỏ ra 1 tỷ USD mua 241.000 tấn ca-cao theo hợp đồng kỳ hạn giao sau (future contract).

Lượng ca-cao này tương đương 7% tổng sản lượng ca-cao mà thế giới sản xuất hàng năm và đủ để đẩy giá mặt hàng này trên thị trường tăng cao. Tuần trước, giá ca-cao đã lên mức cao nhất trong vòng 33 năm qua. Điều kỳ lạ là công ty Armajaro đã không bán lại các hợp đồng đó trên sàn giao dịch Luân Đôn (LIFFE - London International Financial Futures and Options Exchange) khi chúng gần đáo hạn mà nhận hạt ca-cao thật. Kết quả là hiện nay ông Ward gần như nắm được toàn bộ lượng ca-cao đang tồn trữ tại các kho chứa ở châu Âu, từ Liverpool tới Rotterdam, sang Hamburg.

Các thương nhân và nhà chế biến ca-cao cáo buộc ông Ward đang cố gắng khống chế thị trường. Ông Andreas Christiansen, nhà buôn ca-cao ở Hamburg nói rằng, các nhà đầu cơ như vậy đang lợi dụng tình trạng thiếu minh bạch ở LIFFE để trục lợi và làm hại các thương nhân nhỏ.

Sự hỗn loạn trên thị trường ca-cao là dấu hiệu mới nhất cho thấy hoạt động đầu cơ đang bùng phát trở lại và các thị trường tài chính quốc tế đã quay lại “đặt cược” rất lớn vào các mặt hàng nông sản - thực phẩm như lúa mì, gạo, cà phê và đậu nành. Hậu quả là giá cả các mặt hàng này trên thị trường được quyết định không bởi sự cân đối cung cầu mà bởi các ngân hàng đầu tư và các quỹ phòng hộ.

Tăng giá do đầu cơ

Ca-cao không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Từ tháng 4 đến nay, giá lúa mì đã tăng 17%, giá đậu nành tăng 12%. Giá đường thì tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm, lên mức cao nhất trong ba thập niên, sau đó giảm xuống gần một nửa nhưng đã quay đầu tăng trở lại, từ tháng 4 đến nay đã tăng thêm 6%. Hồi tháng 6, chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) lập, tập hợp biến động giá cả của các nông sản chủ yếu, đã lên tới 163 điểm, gần tới mức kỷ lục 191 điểm đạt được năm 2008 - năm xảy ra khủng hoảng tài chính.

Vào năm đó, giá gạo tăng 277% trong vòng 6 tháng, nạn thiếu đói đã làm bùng phát bạo loạn ở Haiti, Ai Cập và hơn 30 quốc gia khác. Người ta cho rằng, giá lương thực tăng một phần là do việc sử dụng nông sản để sản xuất xăng sinh học. Nhưng năm 2008 cũng là thời điểm mà lần đầu tiên công chúng được biết rằng, thương nhân không còn là lực lượng duy nhất kinh doanh ngũ cốc (ví dụ mua nông sản kỳ hạn để đề phòng tình trạng mất mùa, tăng giá) mà những tay chơi quan trọng trên thị trường tài chính đã vào cuộc vì khám phá ra rằng kinh doanh nông sản có thể mang lại lợi nhuận lớn. Năm ngoái, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs lãi 5 tỷ USD từ kinh doanh cổ phiếu nông sản, các ngân hàng khác như Bank of America, Citigroup, Deutsche Bank, Morgan Stanley và J.P. Morgan cũng không thua kém.

Những ông trùm tài chính này hoạt động không giống thương nhân, không mua sản phẩm thực để tích trữ chờ giá lên, mà mua bán các công cụ tài chính có chức năng giống hệt như cổ phiếu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp đã dẫn tới sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ mấy năm qua. Các sản phẩm tài chính này - được gọi một cách hoa mỹ là “nghĩa vụ hàng hóa được thế chấp” (CCO – collateralized commodities obligations) - thực chất là cổ phiếu hàng hóa chứ không phải là hàng hóa thật mà lợi nhuận tăng hay giảm phụ thuộc vào việc tăng hay giảm giá nông sản trên thị trường; giá nông sản càng tăng, người sở hữu CCO càng có lợi.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 6, FAO tính ra rằng chỉ có 2% lượng hàng hóa nêu trong các hợp đồng kỳ hạn biến thành việc trao đổi hàng hóa thật khi đáo hạn, số còn lại là hàng “ảo”. “Kết quả là, những hợp đồng này thu hút các nhà đầu tư không quan tâm tới hàng hóa mà chỉ chú ý tới lợi nhuận”, FAO cho biết.

Bóng ma nạn đói

Những yếu tố tiềm năng làm tăng giá lương thực hãy còn đó: sản xuất nhiên liệu sinh học và ethanol vẫn đang cạnh tranh trực tiếp với sản xuất lương thực, giá phân bón, năng lượng và phí vận chuyển vẫn cao đến mức làm cho sản xuất lương thực không còn có lợi nữa; năm 2010 hạn hán ở Đông Âu, Tây Phi, lũ lụt ở châu Á đang gây mất mùa trên diện rộng…

Những yếu tố này, cùng với hoạt động mạnh của giới đầu cơ tài chính nói trên đang đặt nhân loại trước nguy cơ thiếu đói. Ông Ralf Sudhoff, Giám đốc Văn phòng Berlin của Chương trình Lương thực thế giới thuộc Liên hiệp quốc, cho rằng: “Giờ đây tình hình ở nhiều nước đã rất xấu” và dự báo kỷ lục bi thảm 1 tỷ người đói trên toàn cầu sẽ sớm bị vượt qua trong năm nay.

Tình hình đen tối này cũng thúc đẩy các chuyên gia lương thực, các tổ chức xã hội và cả các doanh nghiệp đồng thanh lên tiếng kêu gọi các chính phủ có biện pháp siết chặt các thị trường tài chính.

Siết chặt luật lệ kinh doanh

Thực ra tác hại của hoạt động đầu cơ đối với giá cả hàng hóa đã được phát hiện từ lâu. Luật Trao đổi Hàng hóa của Mỹ (Commodity Exchange Act) năm 1936 đã đặt ra các biện pháp hạn chế đầu cơ lương thực. Nhưng nhờ sự vận động không ngừng của giới kinh doanh, những hạn chế này được nới lỏng vào năm 1990, tạo điều kiện cho việc kinh doanh cổ phiếu nông sản được phát triển. Hiện thời, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang đi những bước đầu tiên quay lại với thời xưa, bắt buộc việc kinh doanh cổ phiếu nông sản phải trở nên minh bạch, ai mua cái gì, bao nhiêu, ai bán cái gì đều phải công khai. Sàn giao dịch hàng hóa New York thường xuyên công bố thông tin cho biết ai đang giao dịch trên sàn, đó là nhà đầu cơ tài chính hay là thương nhân buôn bán nông sản bình thường, họ nắm giữ bao nhiêu hợp đồng và tình trạng sở hữu của họ như thế nào.

Ở châu Âu, ủy viên EU về thị trường và dịch vụ nội địa Michel Barnier, cũng có kế hoạch đưa ra một đạo luật tương tự vào cuối năm nay nhằm áp đặt các quy định chặt chẽ hơn. Nhưng nước Anh không tán thành dự luật, và cho biết họ sẽ đề ra một bộ luật riêng, thông thoáng hơn, cho sàn giao dịch LIFFE - thị trường nông sản quốc tế lớn nhất thế giới ngoài nước Mỹ. Một nhóm gồm 20 công ty và hiệp hội ngành hàng mới đây đã viết thư cho ban giám đốc sàn LIFFE, yêu cầu họ phải công khai, minh bạch hóa việc kinh doanh, theo mô hình của sàn giao dịch New York bên Mỹ. Tuần này, những người phê phán hoạt động đầu cơ nông sản cũng sẽ có những cuộc thảo luận với ban giám đốc của LIFFE để yêu cầu “mọi người phải có cơ hội ngang nhau”, như lời ông Christiansen.

Tuy vậy, không ai nghĩ rằng những quy định chặt chẽ hơn sẽ được ban hành trước khi các hợp đồng ca-cao đáo hạn vào giữa tháng 9 sắp tới. Và vì vậy, những nhà đầu cơ như vua ca-cao Anthony Ward chưa có gì phải lo ngại. Ông Ward tự tin rằng, chẳng bao lâu nữa các nhà sản xuất chocolat phải tìm tới ông để mua nguyên liệu với giá cao, nhất là khi mùa kinh doanh bánh kẹo Giáng sinh đang tới gần.



Theo Cafe F
Báo cáo phân tích thị trường