Bài “Bao giờ mới giàu?” đăng ngày 25-2 đã sử dụng không ít ngôn từ chỉ trích nặng nề, thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học. Người viết đã dùng những từ ngữ như: “rêu rao”, “mánh khóe bóp cổ”, “lợi dụng tình hình”, “ép”, “suốt đời làm tôi mọi cho các công ty xuất khẩu làm giàu” là không chính xác và đã chỉ trích quá mức cần thiết, phiến diện, không công bằng khi nhìn nhận, đánh giá sự việc.
Việc quy chụp các công ty xuất khẩu chỉ biết lợi dụng tình hình, ép nông dân để mua lúa giá rẻ qua đó làm giàu và bắt người nông dân suốt đời làm tôi mọi là những suy nghĩ chủ quan.
Vì để tăng thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân là việc làm của nhiều ngành, nhiều cấp và chịu sự tác động ở nhiều lĩnh vực..., đồng thời cần những chủ trương, chính sách mang tầm quốc gia trong những giai đoạn phù hợp với nền kinh tế chung của cả nước, không thể chỉ bằng cách mua nông sản với mức giá cao bất chấp quy luật thị trường.
Hiểu sai về doanh nghiệp xuất khẩu (?)
Từ những luận cứ thiếu khoa học, không chính xác với thực tế và thiên kiến chủ quan, lại thiếu tính xây dựng, bài viết đó không biết vô tình hay cố ý tạo ra thế đối đầu giữa doanh nghiệp (DN) và người sản xuất, kích động dư luận hiểu sai về DN trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao phó theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tổn hại những cố gắng của các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, người sản xuất và cộng đồng DN trong nỗ lực thực hiện mối liên kết, gắn bó ngày càng thực chất hơn, hài hòa lợi ích, trách nhiệm và có hiệu quả thiết thực của các thành phần cùng tham gia trong toàn bộ chuỗi giá trị của mặt hàng lúa, gạo hiện nay.
Dù vẫn còn khiếm khuyết nhưng qua từng năm chúng tôi luôn cố gắng điều chỉnh để hoàn thiện hơn chuỗi giá trị này với mong muốn ngày càng gắn bó hơn với người sản xuất.
Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng không có người trồng lúa sẽ không có DN kinh doanh lúa, gạo; vì vậy không thể phủ nhận vai trò của cộng đồng DN kinh doanh lương thực, cũng như phủ định mọi thành quả mà các DN này đã đóng góp. Và càng không thể nêu đích danh tên DN khi chưa nắm chắc thông tin nhiều chiều để có nhận định chính xác.
Dưới sự điều hành của các cơ quan Chính phủ và Hiệp hội Lương thực VN (VFA), Vinafood 2 được ủy quyền đại diện cho các DN trong nước tham gia dự thầu và thắng thầu các hợp đồng cấp Chính phủ trong thời gian qua là việc làm bình thường hằng năm.
Những ngày này, tình trạng "được mùa - rớt giá" lại tái diễn ở những vùng trồng lúa tại ĐBSCL. Ảnh: N.TRINH
Từ những hợp đồng theo thỏa thuận cấp cao của chính phủ ta với chính phủ các nước thời gian qua đã góp phần ổn định giá mua lúa cho bà con nông dân trồng lúa mỗi khi vào thời kỳ thu hoạch, nhất là hai vụ chính (đông xuân và hè thu) hằng năm.
Những gì diễn ra vào cuối năm 2009 vừa qua là một minh chứng thực tế, không ai có thể phủ nhận: Đó là thời điểm những tháng cuối năm 2009, trước tình hình khủng hoảng tài chính thế giới tác động, thị trường mua bán gạo thế giới trầm lắng, giá giảm mạnh, các nước xuất khẩu gạo tồn kho rất lớn.
Lúc bấy giờ các DN kinh doanh lương thực trong nước dù đang tồn kho nhiều vẫn phải mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, để hạn chế sức ép giảm giá và giữ được giá lúa theo giá sàn của Chính phủ quy định.
Chỉ khi Vinafood 2 tham gia dự và trúng thầu bán 1,6 triệu tấn gạo cho Philippines thì lúc đó các DN trong nước mới có đầu ra xuất khẩu và tất nhiên, lượng lúa gạo đã mua tồn trữ này được dùng để xuất khẩu cho các hợp đồng kinh doanh của các đơn vị và cho cả các hợp đồng cấp Chính phủ vừa mới trúng thầu như nêu trên.
Chính nhờ các hợp đồng tập trung đó mà thị trường lúa, gạo nước ta đã được khai thông, hơn 100 DN xuất khẩu gạo thuộc Hiệp hội Lương thực VN được phân chia thực hiện hợp đồng này, nhờ vậy đã giải phóng bớt lượng gạo tồn kho, cũng qua đó nâng giá mua lúa của nông dân vụ thu đông và vụ mùa sớm lên cao, giúp người trồng lúa phấn khởi.
Giữ giá cho nông dân
Hợp đồng trúng thầu bán gạo cho Philippines với giá tốt chỉ là 1,6 triệu tấn và thời gian giao hàng kéo dài từ tháng 1-2010 đến hết tháng 10-2010 trong khi gạo trong kho của các DN thời điểm hiện nay vẫn khá nhiều, bà con ở ĐBSCL bắt đầu thu hoạch vụ lúa chính hằng năm là vụ đông xuân, dự kiến có 3 triệu tấn gạo (khoảng 6 triệu tấn lúa) hàng hóa phải bán là một áp lực rất lớn trong tình hình giá gạo thế giới giảm liên tục từ đầu năm 2010 đến nay.
Chỉ khi Vinafood 2 tham gia dự và trúng thầu bán 1,6 triệu tấn gạo cho Philippines thì lúc đó các DN trong nước mới có đầu ra xuất khẩu. Chính nhờ các hợp đồng tập trung đó mà thị trường lúa, gạo nước ta đã được khai thông |
Giá lúa giảm thời gian qua là một xu hướng tất yếu khi các DN vẫn đang tồn kho gạo, thị trường thế giới trầm lắng, các DN không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo mới, đặc biệt là hợp đồng thương mại, giá mua bán gạo quốc tế liên tục bị các thương nhân nước ngoài ép giảm giá.
Không chỉ bà con nông dân mà Nhà nước và cả cộng đồng DN kinh doanh gạo đều lo lắng. Vì trách nhiệm của các DN, đặc biệt là DN Nhà nước là phải mua hết lúa cho bà con.
Trước tình hình đó, trong lúc chờ những quyết định chính thức từ Chính phủ (xác định giá thành lúa vụ đông xuân này, giá sàn tối thiểu phải mua lúa cho người nông dân, cũng như các chủ trương về dự trữ, vốn vay và các biện pháp hỗ trợ nếu có khác) thì cộng đồng doanh nghiệp ngành lương thực và VFA đang phân công nhau mua 2 triệu tấn lúa tạm trữ, không để lúa rớt dưới mức giá tối thiểu (tạm tính là 4.000 đồng/kg lúa).
Vinafood 2 là DN Nhà nước 100%, giữ vai trò vị trí đặc biệt quan trọng trong ngành lương thực cả nước hiện nay, đồng thời là thương hiệu có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh lúa, gạo trên thị trường thế giới.
Việc nêu đích danh Vinafood 2 để quy chụp những hành động kinh doanh không lành mạnh, không đúng đắn một cách không có cơ sở như trên đã tạo ra dư luận không tốt, làm tổn hại đến uy tín một thương hiệu mà phải cần nhiều thời gian và công sức mới có thể xây dựng được trên thị trường kinh doanh gạo trong và ngoài nước...
Mở diễn đàn “Khai phóng gạo Việt” Những lập luận của Vinafood 2 trong bài viết này có lẽ sẽ nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau của dư luận, nhất là trong bối cảnh người trồng lúa tiếp tục lâm vào cảnh “được mùa - rớt giá”; lúa tồn ứ trong dân rất lớn trong khi các công ty lương thực chậm lụt trong việc thu mua tạm trữ, thậm chí dùng “binh đoàn” thương lái để gián tiếp ép giá nông dân. Với mục đích chuyển tải nguyện vọng của người trồng lúa, khai thông đầu ra cho hạt gạo nhằm tăng thêm chuỗi giá trị cho “hạt vàng” VN, Báo NLĐ mở diễn đàn “Khai phóng gạo Việt” nhằm trưng cầu ý kiến của độc giả xoay quanh việc cải tiến cách điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo hiện nay cũng như đề xuất giải pháp giúp nông dân làm giàu trên bờ xôi ruộng mật của mình.
|