Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VFA có bán phá giá gạo?
08 | 10 | 2009
Dư luận gần đây liên tục đặt vấn đề: một số công ty thuộc Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã bán phá giá gạo xuất khẩu làm ảnh hưởng rất lớn giá gạo VN trên thị trường thế giới. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết sẽ kiểm tra, làm rõ vấn đề này.

Đặc biệt dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không một công ty “sân sau” của VFA được lập ra ở Singapore để mua gạo giá rẻ từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và bán lại cho các đối tác nhập khẩu.

Mập mờ giá sàn

Phát biểu trong cuộc gặp với báo giới sáng 7-10, ông Nguyễn Thọ Trí - phó chủ tịch VFA - khẳng định: các doanh nghiệp bị cho là bán phá giá trên một số báo trong thời gian qua là không chính xác. Theo ông Trí, giá sàn mà VFA quy định thay đổi linh hoạt theo thời gian. Các văn bản điều chỉnh giá sàn đã được VFA gửi công khai cho các hội viên. Và sự cố đáng tiếc trên một phần do lỗi của VFA đã không kịp thời cập nhật thông tin giá sàn mới trên website dẫn tới một số báo dẫn nguồn giá từ website là không đúng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên:

Sẽ kiểm tra, làm rõ

Việc công ty mẹ bán cho công ty con do mình lập ra trên thực tế vẫn có thể xảy ra và cũng chưa có quy định nào cấm. Tuy nhiên, ở đây có lo ngại công ty mẹ cố tình khai giá đúng với giá sàn của Hiệp hội Lương thực để bán cho công ty con ở nước ngoài rồi công ty này bán lại cho đối tác thật với giá thấp hơn. Tất nhiên, điều này có thể làm ảnh hưởng chung đến công tác điều hành xuất khẩu gạo, khiến gạo VN có thể bị ép giá. Bộ Công thương chỉ quản lý công tác điều hành xuất khẩu, việc xuất khẩu gạo có quy chế, nếu đơn vị nào làm sai sẽ theo quy chế xử lý. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, làm rõ việc này. Lâu dài, Bộ Công thương đang dự thảo nghị định về kinh doanh gạo, theo đó sẽ đưa ra nhiều quy định cụ thể hơn để đảm bảo công tác xuất khẩu đem lại lợi ích cao nhất. Gạo cũng sẽ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và các công ty vi phạm quy định sẽ bị xử lý thích đáng.

C.V.KÌNH ghi

Cụ thể, từ đầu năm 2009 đến ngày 10-5, giá sàn mà VFA đưa ra ở mức 430 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Đến ngày 11-5 giảm xuống 410 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 380 USD/tấn (gạo 15% tấm). Mức giá sàn này được giữ cho đến ngày 13-7 thì nâng lên mức 430 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 400 USD/tấn (gạo 15% tấm). Nhưng mức giá này cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

Sau khi dự thầu tại Philippines, giá sàn gạo VN được VFA quy định lại mức 400 USD/tấn (gạo 5% tấm), 360 USD/tấn (gạo 15% tấm) và 350 USD/tấn (gạo 25% tấm). Và mức giá này được giữ từ cuối tháng 7 đến nay. Vì vậy, việc Tổng công ty lương thực Vinafood 2, các công ty lương thực Trà Vinh, Long An, An Giang... ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá trên 400 USD/tấn trong tháng 8 là phù hợp với quy định giá sàn, không bán phá giá.

Ông Trí cũng cho biết thời điểm trước 13-7-2009, giá sàn được điều hành linh hoạt, tức là dù VFA đưa ra một mức sàn cụ thể, tuy nhiên nếu các hợp đồng xuất khẩu gạo có mức giá dưới giá sàn này nhưng có lợi cho tình hình chung thì vẫn được VFA thông qua. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể gửi công văn hoặc gọi điện trực tiếp cho VFA để đàm phán về vấn đề này. Vì vậy, dù thời gian này có quy định giá sàn là trên 410 USD/tấn (gạo 5% tấm) nhưng doanh nghiệp vẫn có thể bán dưới giá này nếu biết cách “thuyết phục” VFA.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL lại cho rằng họ chưa nhận được bất cứ văn bản nào quy định giá sàn từ VFA gửi đến mà chỉ được VFA thông báo bằng miệng hoặc bằng điện thoại. “Cơ chế điều hành của VFA thời gian qua rất mập mờ dễ nảy sinh tiêu cực. Đã là quy định giá sàn thì phải chấp hành, sao lại có chuyện ai giỏi “thuyết phục”, biết điều thì được xuất” - một doanh nghiệp nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề: hiện nay giá gạo VN vẫn thấp nhất thế giới trong khi ở thị trường gạo trắng, chúng ta không có nhiều đối thủ cạnh tranh, giá gạo cũng đang có xu hướng đi lên, tại sao VFA không nâng giá sàn gạo lên mà vẫn giữ ở mức 400 USD/tấn với gạo 5% tấm?

Lùm xùm chuyện công ty “sân sau”

Dư luận gần đây cũng đặt vấn đề: Vinafood 2 đã lập một công ty “sân sau” ở Singapore (có tên Saigon Food) để mua gạo giá rẻ từ đơn vị này rồi bán lại cho các đối tác nhập khẩu nước ngoài để hưởng chênh lệch. Ví dụ, ngày 26-8-2009, Vinafood 2 bán cho Saigon Food 5.000 tấn gạo 5% tấm với giá 406 USD/ tấn. Số hàng trị giá hơn 2 triệu USD này ngay ngày hôm sau (tức 27-8) đã thông quan tại cảng Bến Nghé (TP.HCM), nhưng không phải chuyển về Singapore mà giao đến Togo - một quốc gia ở tận... châu Phi!

Về vấn đề này, ông Trí khẳng định Saigon Food là công ty con của Vinafood 2 tại Singapore được thành lập theo sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ với số vốn 625.000 USD, tương đương 10 tỉ đồng.

Bốc dỡ gạo xuất khẩu lên tàu tại cảng Mỹ Thới, An Giang

Việc buôn bán giữa Vinafood 2 và Saigon Food, đại diện VFA giải thích chỉ cần giá gạo của Vinafood 2 bán cho Saigon Food không vi phạm quy định giá sàn là được. Còn tại sao họ lại bán cho Saigon Food là chuyện của họ vì đôi khi đàm phán giữa một công ty Singapore với châu Phi lợi thế hơn là một công ty VN. Ngoài ra, vai trò của công ty này không chỉ là mua gạo mà nhiệm vụ chính là mua các loại lương thực khác.

Trong khi đó, khác với giải thích của VFA, nhiều doanh nghiệp cho rằng Vinafood 2 không cần thiết phải thành lập thêm công ty con Saigon Food bởi Vinafood 2 là một “đại gia” lâu nay đã đàm phán xuất khẩu nhiều thị trường khác nhau. “Thành lập Công ty Saigon Food ở nước ngoài khiến ai cũng có thể nghi ngờ đây chính là công ty “sân sau” của Vinafood 2 nhằm chia sẻ lợi nhuận” - một doanh nghiệp xin giấu tên nói.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường