Nông dân thua lỗ
Theo nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, hiện thanh long vào mùa nghịch vụ, tức là mùa chong đèn, chi phí đầu tư cao hơn hàng mùa. Cụ thể, để có 1 kg thanh long nghịch vụ nông dân đầu tư phân bón, thuốc BVTV, rồi tiền điện chong đèn… từ 10-12 ngàn đ/kg. Thế nhưng thời gian gần đây, giá thanh long thương lái thu mua tại vườn (mua xô) chỉ 6-7 ngàn đ/kg nên hầu hết đều thua lỗ.
Giá thanh nghịch vụ ở mức thấp do phía Trung Quốc được mùa trái cây.
Anh Nguyễn Phúc, một người trồng thanh long ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, than vãn, gia đình vừa thu hoạch 1.000 trụ thanh long được 11 tấn, trong đó 1 tấn bị thải vì bị nấm bệnh. Do giá bán thấp chỉ 6 ngàn đ/kg, thu khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí, anh lỗ hàng chục triệu đồng.
“Đây là vụ thanh long nghịch vụ mà tôi không ngờ giá thấp thế. Mọi năm thời điểm này giá ít nhất 12-15 ngàn đ/kg”, anh Phúc nói.
Gia đình chị Huỳnh Thị Tuyết Phương, thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết có 700 trụ thanh long đã chong đèn xong. Vườn thanh long trái to bằng cổ tay, dự kiến gần 1 tháng nữa sẽ thu hoạch.
Chị Phương cho biết đầu tư vụ thanh long này đã mất khoảng 40-50 triệu đồng tiền phân, thuốc, rơm và tiền điện, chưa kể tiền công.
“Năm nay các chi phí đầu tư thanh long nghịch vụ đều tăng cao. Cụ thể, giá phân chuồng khoảng 27 ngàn đ/bao, còn rơm 40 ngàn/cuộn. Với 700 trụ thanh long gia đình phải bón 700 bao phân chuồng, chưa kể bón thêm phân hóa học. Còn rơm bỏ gốc, trung bình mỗi cuộn chỉ bỏ được 4 trụ, tính ra cũng tốn tiền kha khá.
Riêng tiền điện đã chi 10 triệu đồng thắp sáng 19 đêm kích thích thanh long ra bông. Trong khi dự kiến từ nay đến ngày thu hoạch phải chi thêm hơn 10 triệu đồng nữa cho công vuốt tai thanh long, phân, thuốc. Nếu giá thanh long tới đây không tăng, xem như gia đình mất tết”, chị Phương âu sầu.
Vì sao?
Việc thanh long Bình Thuận ở mức thấp, lãnh đạo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, do thị trường Trung Quốc “ăn chậm”. Điều này thể hiện các đơn đặt hàng thanh long tại các doanh nghiệp ít.
Thị trường Trung Quốc “ăn chậm” khiến giá thanh long Bình Thuận ở mức thấp.
Đại diện Cty TNHH Xuất khẩu thanh long Bé Dũng, xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam), xác nhận: Hiện việc xuất khẩu thanh long của DN sang thị trường Trung Quốc không có gì trở ngại. Tuy nhiên giá cả lên hay xuống đều phụ thuộc vào thị trường. Trung Quốc hiện tiêu thụ thanh long chậm, mỗi ngày DN chỉ xuất 1 container (16 tấn), trong khi lúc trước mỗi ngày từ 2-3 container.
Tại cơ sở thu mua thanh long Châu Hải Thịnh, xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) sản lượng thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc thời điểm này cũng giảm một nửa so với mấy tháng trước.
Chủ vựa này cho biết thêm, thời gian gần đây thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm là do hàng nhiều.
Ông Nguyễn Đức Trí, PGĐ phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận cũng cho rằng, Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch táo, quýt và ngay cả thanh long họ cũng đang thu hoạch, được mùa, nên một phần ảnh hưởng đến giá.
Ông Nguyễn Đức Trí, PGĐ phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha thanh long, năng suất trung bình 600 tấn/năm. Hiện 70-80% sản lượng xuất sang thị trường Trung Quốc.
Để giúp thanh long đi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP để truy xuất nguồn gốc. Hiện toàn tỉnh đã có trên 10.000 ha thanh long được chứng nhận VietGAP.
Bên cạnh đó, hầu hết DN thu mua thanh long trên địa bàn đều được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói, đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu thanh long sang thị trường này.