Trong một bài trả lời bằng văn bản đệ trình lên các thành viên của Quốc hội - Shobha Karandlaje và Magunta Sreenivasulu Reddy - tại Lok Sabha vào ngày 4/12, ông Piyush Goyal, Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, đã đưa ra số liệu nhập khẩu hồ tiêu chi tiết cho niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018, 2018 - 2019 và dự báo cho 5 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020.
Ấn Độ đã nhập khẩu 20.265 tấn hạt tiêu đen trong giai đoạn 2016 - 2017; 29.650 tấn trong niên vụ 2017 - 2018 và niên vụ 2018 - 2019, khối lượng nhập khẩu dự kiến đạt 24.950 tấn, theo The Hindu Business Line.
Bộ trưởng cho biết một số trường hợp liên quan đến buôn lậu hạt tiêu đen giá thấp từ các nguồn gốc khác đến Ấn Độ, qua biên giới Nepal và Bangladesh, đã được ghi nhận.
Về vấn đề này, Cơ quan Hải quan và Tổng cục Tình báo Doanh thu đã được cảnh báo và cảnh giác tại điểm nhập cảnh trong cảng để phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của hạt tiêu kém chất lượng từ các quốc gia khác đến Ấn Độ.
Hải quan cũng đã bắt giữ một số trường hợp cố gắng buôn lậu hạt tiêu trong thời gian gần đây.
Theo yêu cầu của Chính phủ, chính quyền Sri Lanka đã đưa ra một qui trình mới để ngăn chặn vấn đề chứng nhận xuất xứ đối với các lô hàng hạt tiêu đen của nước thứ ba đến Ấn Độ.
Chính quyền Sri Lanka cũng cung cấp quyền truy cập cho chính quyền Ấn Độ nhằm hỗ trợ kiểm tra các bản sao giấy chứng nhận xuất xứ được cấp để xuất khẩu hạt tiêu đen theo "Hiệp định thương mại tự do Indo - Sri Lanka" và SAFTA, và tạm thời nhập khẩu gia vị, gồm cả hạt tiêu, vào Sri Lanka thông qua "Entreport Trade and Commercial Hub Operations" để ngăn chặn các loại gia vị này được vận chuyển trở lại Ấn Độ.
Trả lời cho việc Chính phủ có bị ràng buộc bởi thỏa thuận ASEAN về nhập khẩu hạt tiêu từ các nước thành viên với mức giá rẻ hơn hay không, ông Goyal cho biết nhập khẩu hạt tiêu được cho phép ở mức thuế nhập khẩu 51% (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), khác với mức thuế thông thường 70% đối với nhập khẩu từ các quốc gia không nằm trong các hiệp định thương mại.
Giá tiêu nội địa Ấn Độ
Ông Piyush Goyal cho biết giá tiêu đen Ấn Độ đã giảm trong 3 năm qua chủ yếu do giá quốc tế giảm, sản lượng và nguồn cung tiêu cao trên thị trường quốc tế và cũng do nhập khẩu tiêu từ các nước khác vào Ấn Độ tăng.
Báo cáo của Bộ trưởng cho thấy giá hạt tiêu đen nội địa trung bình đạt 694,77 rupee/kg trong niên vụ 2016 - 2017; 473,73 rupee/kg trong niên vụ 2017 - 18 và ở mức giá 378,21 ruppee/kg trong niên vụ 2018 - 2019 ở Kochi.
Đề cập đến dữ liệu của Cộng đồng hồ tiêu quốc tế, ông Goyal cho biết nhu cầu về hạt tiêu đen ở thị trường nội địa đã tăng lên trong 3 năm qua. Tiêu thụ trong nước đứng ở mức 55.000 tấn trong năm 2017, 56.000 tấn trong năm 2018 và ước tính đạt 57.000 tấn trong năm 2019.
Sản xuất hạt tiêu đen ở Ấn Độ đứng ở mức 62.080 tấn trong giai đoạn 2016 - 2017; 71.488 tấn trong niên vụ 2017 - 2018 và 62.425 tấn trong niên vụ 2018 - 2019, ông Goyal cho biết thêm.
Theo KTTD