Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường giảm, tiêu thụ kém do chịu tác động của dịch COVID-19
12 | 03 | 2020
Cũng giống như nhiều ngành hàng sản xuất khác, mía đường Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng về giá và tình hình tiêu thụ của thị trường do dịch COVID-19.
Giá đường sản xuất trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/kg). Nguồn: VSSA

Báo cáo sản xuất mía đường tháng 2 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết tình hình thị trường tiêu thụ đường bắt đầu bị tác động rõ nét bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, các nhà máy sản xuất công nghiệp thực phẩm có dùng đường để sản xuất, do giá đường quốc tế tăng cao nên lưỡng lự chưa triển khai nhập khẩu và có hợp đồng mua đường của các nhà máy đường trong nước nhưng tiêu thụ cũng giảm hẳn.

Ngoài ra các hộ sản xuất nhỏ và tiêu dùng trực tiếp thì giảm đáng kể như cho đồ uống, cho thực phẩm có dùng đường tiêu thụ tại các chợ, đường phố, hàng quán, trường học...

Do đó nửa cuối tháng 2/2020, giá bán buôn trên thị trường bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, tiêu thụ vẫn chậm cho các loại đường từ các nguồn khác nhau.

Trước tình hình này đường sản xuất từ mía trong nước muốn giữ giá như nửa tháng trước để tương ứng với giá mía đã tăng, nên khó tiêu thụ trong cả 3 vùng thị trường Bắc, Trung, Nam; trong khi đường của nguồn nhập chính thức từ Thái Lan theo ATIGA cạnh tranh với đường lậu nên có giảm nhẹ so với nửa tháng trước.

Cũng theo Hiệp hội Mía đường trên thị trường hiện nay sự cạnh tranh về giá chỉ xảy ra cho nguồn đường nhập khẩu theo ATIGA với đường lậu Thái lan, giá này bán ra thị trường thấp hơn đường sản xuất trong nước và giảm so với nửa tháng trước, hiện ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg, có nơi bán giá cao hơn chút ít. 

So với giá đường trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp nhất.

Tuy giá đường có biến động giảm nhẹ, tiêu thụ kém, nhưng các nhà máy đường phần lớn đều giữ giá đã điều chỉnh với 10 CCS tại ruộng 800.000 - 850.000 đồng/tấn, nay có một số nhà máy đường mới điều chỉnh tiếp từ 800.000 đồng/tấn cộng thêm 30.000 đồng/tấn hoặc nâng lên 850.000đồng/tấn; lại có nhà máy đường điều chỉnh tiếp lên mức 880.000 hoặc 903.000 đồng/tấn.

Đây là điều làm cho nông dân phấn khởi và hi vọng nông dân sẽ giữ mía cho vụ tới. Để chuẩn bị cho vụ tới có nhà máy đường ban hành chính sách ngay thời điểm này với thông báo giá mía rất khuyến khích cho vụ tới, VSSA nhận định.

Với giá mía tăng nhằm bảo đảm thu nhập cho người trồng mía và khuyến khích trồng mới phục hồi vùng nguyên liệu và sản lượng giảm hơn nhiều so với ước tính đầu vụ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019/20 sẽ tăng thêm khoảng 1000 - 2000 đồng/kg so với ước tính đầu vụ.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường