Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bloomberg: Lo ngại về an ninh lương thực ảnh hưởng rõ nét tới hoạt động xuất khẩu gạo châu Á
06 | 04 | 2020
Mua sắm và tích trữ hàng hóa khi dịch bệnh lan rộng đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thực phẩm. Chính phủ các nước trên thế giới cũng nhận thức sâu sắc rằng cung ứng đủ lương thực ở mức giá phải chăng cho người dân là vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định chính trị, đặc biệt là tại châu Á.

Nga, Kazakhstan và Ukraine đã công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu lúa mì, trong khi tại châu Á, lo ngại về nguồn cung thực phẩm nay đã chuyển sang gạo - loại lương thực chính cho hàng tỉ người trong khu vực. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà sản xuất cũng như tiêu thụ gạo lớn nhất toàn cầu.

Việt Nam - nước cung ứng gạo lớn thứ ba thế giới, đã tạm ngừng xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước giữa lúc hạn mặn xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công thương trình kế hoạch xuất khẩu gạo trước ngày 5/4.

Myanmar cũng cho biết nước này có thể giảm xuất khẩu để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước.

"Các nước châu Á chỉ đang hành động thận trọng", ông David Dawe - chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc, nhận định. "Họ muốn đảm bảo có đủ nguồn cung lương thực cho người dân trong nước", ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Giá gạo Thái Lan đạt mức cao nhất kể từ năm 2013 (Nguồn: Bloomberg).

Theo Bloomberg, các nhà nhập khẩu gạo cũng không "dậm chân tại chỗ". Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đang phân bổ hơn 600 triệu USD để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm trong nước cũng như lên kế hoạch mua thêm 300.000 tấn gạo.

300.000 tấn gạo nêu trên nhiều khả năng sẽ được thu mua thông qua các thỏa thuận cấp quốc gia với các nhà cung ứng tại Đông Nam Á, hoặc qua các nguồn khác như Ấn Độ và Pakistan.

Với 1,4 tỉ dân và gạo là nguồn lương thực chính trong nhiều thế kỉ, Trung Quốc đã tăng giá mua vào của một số loại thực phẩm và cam kết mua khối lượng gạo kỉ lục trong năm nay để đảm bảo nguồn cung.

Theo Bloomberg, Trung Quốc không nhập khẩu hay xuất khẩu lương thực tương ứng với mức tiêu thụ trong nước, mà chỉ muốn đảm bảo kho dự trữ gạo quốc gia sau khi đại dịch COVID-19 giáng đòn đau vào nền kinh tế.

Nguồn cung gạo tại châu Á còn rất dồi dào?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không có hiện tượng thiếu hụt gạo. Các nhà kho ở Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang "ngập" trong gạo và lúa mì từ vụ mùa thu hoạch bội thu.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong niên vụ 2019 - 2020, sản lượng gạo trắng trên thế giới ước tính đạt mức kỉ lục 500 triệu tấn và dự trữ gạo toàn cầu cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại là hơn 180 triệu tấn.

Không chỉ Ấn Độ mới có kho dự trữ gạo lớn, mà Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, gần đây cho biết họ có đủ gạo để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu dù vừa trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỉ. Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, cũng khẳng định có đủ nguồn cung gạo.

Là một tiêu chuẩn cho hoạt động xuất khẩu gạo của châu Á, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã tăng hơn 25% trong năm nay lên 564 USD/tấn hôm 1/4, đây là mức cao nhất kể từ năm 2013. Nguyên nhân giá loại gạo này tăng mạnh như vậy là do hạn hán và nhu cầu tăng từ các nước nhập khẩu.

"Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ nhích lên, tuy nhiên mức tăng không quá lớn. Tôi không cho rằng giá gạo sẽ tăng đột biến như vào năm 2008", ông Dawe của FAO cho hay.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

 



Báo cáo phân tích thị trường