"Mức giảm cụ thể của kế hoạch sẽ do Ban Chấp hành xem xét, điều chỉnh nhưng cá nhân tôi thấy có thể sẽ chỉ đạt được 3 tỉ USD", ông Công cho biết.
Ông Công cho biết ngành điều thế giới, trong đó có Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn chưa thể lường trước được.
Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch, nhưng hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Mỹ, châu Âu - Những thị trường chính của nhân điều Việt Nam.
Trong khi đó, châu Phi - Nguồn cung ứng hạt điều thô chính của ngành chế biến điều Việt Nam, đang phải gồng mình chống dịch.
Ngành điều Việt Nam và nhiều nước trên thế giới lại đang vào thời điểm sản xuất và chế biến chính hàng năm nên càng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá hạt điều thô trong nước đã giảm xuống mức thấp kỉ lục nhiều năm gần đây. Giá hạt điều thô tại tỉnh Đồng Nai trong tháng 3 được thương lái thu mua ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 2.
Giá hạt điều giảm kéo theo lợi nhuận thấp cùng với việc cây điều dễ mất mùa khi thời tiết thất thường là những nguyên nhân chính khiến diện tích hạt điều trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giảm mạnh 2,5 nghìn ha so với năm 2019, xuống còn gần 34 nghìn ha.
Ông Công nhận định mặc dù dịch COVID-19 bước đầu được khống chế ở Trung quốc nhưng lại lan nhanh và nghiêm trọng khắp các châu lục.
Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ giới hạn việc đi lại của người dân, do đó nhu cầu dự trữ thực phẩm tăng.
Tuy nhiên, sự vận chuyển, chiên rang lại gặp khó khăn. Một số chuyên gia và nhà chế biến cho rằng giá nhân điều sẽ giảm hơn nữa. Giá hạt điều thô cũng tiếp tục giảm và ít người mua.
Sau khi dịch được khống chế, với sự tàn phá năng nề đến nền kinh tế thế giới, đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Hạt điều là thực phẩm phụ, sẽ giảm sút lượng tiêu thụ so với trước.
"Trong bối cảnh nghiêm trọng này, như tôi đã nói ở trên việc xuất khẩu điều nhân của Việt Nam chắc chắn sẽ giảm về số lượng và kim ngạch. Mức giảm còn tuỳ thuộc vào thời gian dập tắt dịch và mức độ gây hại trên thế giới", ông Công nói.
Vinacas khuyến cáo doannh nghiệp hết sức cẩn trọng các giao dịch thời điểm này. Cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua điều thô từ các nước châu Phi, kể cả từ Campuchia.
Theo đó, nếu chưa có hợp đồng đầu ra hay chưa cân đối được chi phí với giá bán thì chưa vội mua điều thô.
Cần phân tích thông tin nhiều nguồn, từ đó đánh giá tình hình thị trường và các tác động khác, đặc biệt là tác động của dịch bệnh và khả năng thực tế của doanh nghiệp trước khi quyết định ký hợp đồng mua điều thô, bán điều nhân cũng như việc có nên dự trữ nguyên liệu hay thành phẩm trong kho hay không để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong khó khăn chung, người nông dân trồng điều cũng đang gặp nhiều khó khăn. Để góp phần giữ và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, Vinacas kêu gọi các doanh nghiệp, trong điều kiện của mình, cố gắng mua điều thô cho nông dân.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng