Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 8 NĂM 2020
29 | 10 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo ước tính của Ủy ban Châu Âu, dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn bộ 19 nước khu vực đồng tiền chung euro suy giảm 8,7% trong năm 2020, tăng trưởng 6,1% vào năm 2021. Trong bối cảnh dịch Covid 19 tác động nặng nề đến nền kinh tế các nước Châu Âu, kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản ( NLTS)  của Việt Nam sang thị trường EU khó tránh khỏi sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 đạt 303 triệu USD, giảm 4,47% so với tháng 6/2020, và giảm 12,89% so với cùng kỳ năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ. So với tháng 6/2020, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là gạo và thịt và sản phẩm thịt (giảm 36%), cà phê (giảm 23%), rau quả (giảm 21%), gỗ và các sản phẩm gỗ (giảm 13%). Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, như chè tăng 58%, cao su tăng 30%, các sản phẩm từ cao su tăng 27%, mây tre đan tăng 19%. Hai mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu sang EU tương đối cao trong tổng xuất khẩu NLTS là thủy sản (chiếm tỷ trọng 33%) và hạt điều ( tỷ trọng 21%) có kim ngạch xuất khẩu tăng lần lượt là 11% và 0,05%. So với cùng kỳ, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt giảm nhiều nhất 62%, gạo giảm 44%, cà phê giảm 41%, trong khi đó mây tre đan xuất khẩu tăng 58%, chè tăng 41%, hạt điều, gỗ và các sản phẩm gỗ tăng ở mức 18%.

Nông nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ ba ở châu Âu, chiếm hơn 10% lượng khí thải. Đó là lý do tại sao EU muốn liên kết chặt chẽ sự phát triển và tài chính của lĩnh vực này với chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường. Các chiến lược đa dạng sinh học mới  và" From Farm to Fork" là một phần của Thỏa thuận Xanh, đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng về vấn đề này, nhưng hiện một số nước thành viên lo ngại về việc có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp ở EU ít nhất 20%. Là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, EU cung cấp hơn 93 triệu tấn sản phẩm từ các nước khác hàng năm, theo dữ liệu từ Ủy ban Châu Âu. Và trong biên giới của mình, EU vận chuyển 3 triệu tấn thực phẩm mỗi năm. Nếu sản xuất nông nghiệp giảm, châu Âu có thể không đảm bảo được an ninh lương thực của mình, sẽ buộc phải nhập khẩu thực phẩm từ các lục địa khác không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EU. Một số nước thành viên cho rằng đây là một chi phí kinh tế lớn, do nông dân và người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm và cũng đi kèm với chi phí rất lớn cho môi trường. Kế hoạch của châu Âu nhằm làm cho nông nghiệp bền vững hơn có thể hạn chế sự đổi mới và làm giảm năng suất nông nghiệp của nông dân EU. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc thực hiện và cũng như việc Ủy ban châu Âu giải pháp đền bù thiệt hại cho nông dân, chẳng hạn như khi phải hạn chế diện tích canh tác.

Ngày 21/8/2020, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã công bố thỏa thuận về một gói cắt giảm thuế quan sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng trăm triệu USD hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ và EU. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ-EU đàm phán cắt giảm thuế quan trong hơn hai thập kỷ qua. Theo thỏa thuận, EU sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm tôm hùm sống và đông lạnh của Hoa Kỳ. EU sẽ loại bỏ các thuế quan này trên cơ sở Tối huệ quốc (MFN), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020. Các loại thuế quan của EU sẽ được xóa bỏ trong thời gian 5  năm và Ủy ban Châu Âu sẽ nhanh chóng bắt đầu các thủ tục để xóa bỏ vĩnh viễn. Về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ giảm 50% thuế suất đối với một số sản phẩm mà EU xuất khẩu có giá trị thương mại trung bình hàng năm là 160 triệu USD, bao gồm một số loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ thủy tinh pha lê, các chế phẩm hoạt động bề mặt, bột phóng propellant, bật lửa và các bộ phận bật lửa. Việc cắt giảm thuế quan của Hoa Kỳ cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở MFN và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020. Thỏa thuận này kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế của cả Hoa Kỳ và EU, là bước khởi đầu của quá trình nhằm tạo ra thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do, công bằng và có đi có lại hơn.

Kể từ ngày 12 tháng 8, một số sản phẩm xuất khẩu điển hình của Campuchia như hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch phải chịu thuế hải quan của Liên minh châu Âu.  Quyết định của EU rút một phần quyền tiếp cận miễn thuế theo hạn ngạch của Campuchia vào thị trường EU hiện đã có hiệu lực.  Đối xử ưu đãi mà Campuchia được hưởng theo "Everything But Arms" (EBA) - thỏa thuận thương mại của EU dành cho các nước kém phát triển - hiện đã tạm thời bị dỡ bỏ do những lo ngại nghiêm trọng và có hệ thống liên quan đến nhân quyền ở nước này.  EU thực thi biện pháp này trong khi vẫn cởi mở cam kết với Campuchia về những cải cách cần thiết.

Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. EVFTA hiện có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm). Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định EVFTA đã cam kết, các sản phẩm của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chí về xuất xứ đối với các sản phẩm EVFTA là “Xuất xứ thuần túy”. Cụ thể, thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA; nguyên liệu đầu vào đối với sản phẩm điều cũng cần phải là 100% xuất xứ từ Việt Nam hoặc đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chế biến điều Việt bởi nguồn nguyên liệu cho chế biến điều nhân xuất khẩu hiện nay  chủ yếu được nhập từ các nước Châu Phi hoặc ASEAN khá nhiều. Tương tự, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu là bài toán khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp các đối tác EU sẽ từ chối đơn hàng ngay lập tức.

Để thực hiện các cam kết của Hiệp định về xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Ngày 21/8/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 5575/TCHQ-GSQL hướng dẫn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA trong khi chờ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định EVFTA. Về phía Việt Nam, Việt Nam sẽ cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có xuất xứ từ EU trên cơ sở chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX hoặc bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào chứng nhận cho lô hàng trị giá không quá 6.000 euro.

Ngày 20/8/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có đề ra các nhiệm vụ về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU, xây dựng pháp luật thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường