Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ cây cà-phê trên địa bàn không được như những năm trước do giá cả bấp bênh. Trước tình hình đó, nhiều nông dân nhanh chóng đổi mới sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng bằng hình thức trồng xen trong vườn cà-phê để tăng thu nhập. Hiện tại, toàn huyện có hơn 830 ha cây ăn quả, tập trung ở các xã Ngọc Wang, Đăk Hring, Hà Mòn…Trước đây, gia đình chị Y Nga ở thôn 2, xã Ngọc Wang chỉ trồng thuần cà-phê trên hai sào (2.000 m2) rẫy của gia đình nhà mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất cây cà-phê giảm, giá cà-phê xuống thấp. Sau khi đi học hỏi các mô hình trồng xen cây ăn trái, đến năm 2017, gia đình chị quyết định trồng xen canh 430 cây cam, quýt vào hai sào cà-phê của mình. Năm ngoái, vườn cam, quýt của chị đã cho thu bói với sản lượng một tấn và được các thương lái mua tại vườn với giá 25 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập cho gia đình 25 triệu đồng. Chị Y Nga cho biết: So với trồng cà-phê thì trồng cây ăn quả cần bỏ nhiều công sức hơn, vất vả hơn nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ nguồn thu từ cây ăn quả xen vườn cà-phê mà kinh tế của gia đình tôi đỡ chật vật hơn.
Tham quan vườn cà-phê xen cam, quýt trên diện tích 3 ha của gia đình anh Trần Văn Dũng, ở thôn 7, xã Ngọc Wang, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vườn cây trĩu quả, xanh mát có quy mô trồng rất bài bản, hợp lý. Anh Dũng cho biết, qua tìm hiểu thấy đất ở địa phương rất phù hợp để trồng các loại cây có múi nên bắt đầu từ năm 2015, anh trồng xen cam, quýt vào trong vườn cà-phê của mình. Đến nay trong vườn xen canh cà-phê của anh có tổng cộng 500 cây cam, quýt. Ngoài ra, gia đình anh còn dành riêng một mảnh đất trồng chuyên canh cam, quýt với khoảng 900 cây. Năm 2019, sản lượng gia đình anh thu hoạch được 35 tấn và cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Dự kiến năm nay, thu nhập cũng sẽ cao hơn nhiều so với hai năm trước.
Cùng ở thôn 7, xã Ngọc Wang có rất nhiều gia đình đã và đang trồng xen canh cây ăn trái trong rẫy cà-phê như gia đình chị Nga, anh Dũng. Gia đình của ông Huỳnh Văn Tân có diện tích 3 ha đất nông nghiệp, ngoài cây cà-phê, ông Tân còn trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, hồng xiêm, quýt, na… Trong số 400 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà-phê có 100 cây đã cho thu hoạch, năng suất bốn tấn quả, sau khi bán thu được gần 150 triệu đồng và tiếp tục tăng dần theo từng năm. Nhận thấy đây là hướng đi có tiềm năng kinh tế, vài năm trở lại đây, ông Tân tiếp tục trồng xen hồng xiêm, quýt, na trong vườn cà-phê. Đến nay, trong vườn của ông ngoài 400 cây sầu riêng còn có gần 200 cây hồng xiêm, quýt, na. Bước đầu, vườn cây ăn quả mang về cho gia đình ông nguồn thu 400 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, dù giá cả cà-phê không được ổn định và cao như trước, gia đình ông vẫn có nguồn thu nhập ổn định.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà Ngô Hồng Hưng chia sẻ, những năm trở lại đây, cây ăn quả đã “bén duyên” với vùng đất này, được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn để chuyển đổi, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả. Qua đánh giá, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cây cà-phê không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ hai đến ba lần so với trồng thuần mỗi cây cà-phê mà còn có tác dụng che bóng, hạn chế quá trình bốc hơi nước, từ đó giúp giảm bớt lượng nước tưới và giãn khoảng cách của các đợt tưới cho cây cà-phê trong mùa khô.
Đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích đất là một trong những giải pháp tốn ít chi phí, đem lại lợi nhuận cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có hơn 4.000 ha cây ăn quả, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông và thành phố Kon Tum. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 8.000 ha cây ăn quả. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, Trần Văn Chương cho biết, thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh và các địa phương phân loại rõ các vùng trồng từng loại cây ăn quả nhằm khuyến khích người dân tổ chức thực hiện chuyển đổi theo định hướng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển cây ăn quả cho bà con nông dân như chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; hỗ trợ chính sách về vay vốn, lãi suất; thành lập các hợp tác xã gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm mà bà con làm ra.
“Ngoài ra, thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tỉnh cũng đang ra sức kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây ăn quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có Công ty Sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát, huyện Đăk Hà đã trồng được 270 ha các loại cây ăn quả như sầu riêng Musangking của Ma-lai-xi-a, mít Thái-lan… Sắp tới Tập đoàn TH cũng sẽ đầu tư để trồng cây ăn quả với diện tích hơn 500 ha tại huyện Kon Rẫy. Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển cây ăn quả trở thành một thế mạnh của địa phương”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Trần Văn Chương khẳng định.