Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG EU THÁNG 7.2021
13 | 08 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo số liệu thống kê chính thức được cơ quan thống kê Eurostat công bố ngày 30/7, tăng trưởng của Eurozone trong Quý II/2021 đạt 2%, và đã vượt Hoa Kỳ (tăng 1,6% so với Quý trước đó) và Trung Quốc (tăng 1,3%). Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2020, nền kinh tế Eurozone đạt mức tăng trưởng 13,7%. Nền kinh tế Italy và Tây Ban Nha - hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong làn sóng dịch đầu tiên vào năm 2020, ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất (lần lượt là 2,7% và 2,8%). Hiện 19 nước trong khu vực này vẫn đang nỗ lực khắc phục tác động tiêu cực của Covid-19 lên nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, trước bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng khiến nhiều nước phải cân nhắc áp đặt các biện pháp hạn chế mới, đà tăng trưởng tích cực trên của khối EU có thể sẽ bị đe dọa trong thời gian tới.

Cũng theo Eurostat, lạm phát của khu vực Eurozone đã tăng lên 2,2%, trên mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là gần 2%. Ngoài ra, giá tiêu dùng cao hơn, do chi phí năng lượng và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, đang là vấn đề khó giải quyết. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực trong tháng 6 giảm xuống còn 7,7%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước đó.

Đầu tháng 7 vừa qua, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế của Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Latvia, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Slovakia và Tây Ban Nha. Đến cuối tháng 7, Hội đồng đã chính thức phê chuẩn thêm kế hoạch phục hồi kinh tế của các nước thành viên Croatia, Litva, Slovenia và Síp, nâng tổng số quốc gia thành viên EU được hưởng từ gói hỗ trợ của khối liên minh này lên 16 nước. Hội đồng cho biết, các quốc gia trên có thể ký kết các thỏa thuận để nhận được tiền hỗ trợ trước trong khoản ngân sách hỗ trợ phân bổ cho từng quốc gia.

Ngày 14/7, Ủy ban Châu Âu đã thông qua một loạt các đề xuất chính sách về khí hậu, năng lượng, sử dụng đất và thuế nhằm giảm khí thải nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030. Nếu đạt được mục tiêu này, chiến lược Thỏa thuận Xanh Châu Âu của khu vực này sẽ trở thành hiện thực và Châu Âu sẽ là lục địa thân thiện với khí hậu nhất thế giới vào năm 2050. Trong các loạt chính sách trên, Quy định về Sử dụng đất, lâm nghiệp và nông nghiệp đã đưa ra mục tiêu giảm 310 triệu tấn phát thải carbon thông qua các bể chứa carbon tự nhiên tới năm 2030. Cũng vào năm này, EU dự kiến sẽ hoàn thành việc trồng thêm 3 tỷ cây xanh trong toàn khu vực. Tới năm 2035, EU hướng đến giảm mạnh phát thải khí carbon trong nông nghiệp, đặc biệt từ việc sử dụng phân bón và khí thải từ chăn nuôi.

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), ngay tại thời điểm có hiệu lực, 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,9 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu gần 0,5 tỷ USD, tăng 7,4% về xuất khẩu và 27,0% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, về các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê và hạt điều có xu hướng giảm 18,3% và 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & SP gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và SP từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 116,3%, 91,2%, 8,8%, 37,6%, 8,2%, 20,1%, 43,6%, 74,2%, và 74,2%.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường