Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó chồng khó vì nghẽn cảng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo bế tắc không dám ký hợp đồng
27 | 08 | 2021
Việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đóng rút gạo tại Cảng Tân Cảng Hiệp Phước là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi có khách hàng mà vẫn không dám ký kết hợp đồng vì không biết khi nào có thể giao hàng.

Theo Doanh nghiệp Niêm yết

Bộ Công Thương cho hay ngày 25/8, cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan do có công nhân mắc COVID-19. Theo dự kiến, sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021, hoạt động này mới vận hành trở lại.

Hiện chỉ còn Bến 125 Tân Cảng Cát Lái và cảng Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động để phục vụ cho việc đóng gạo bằng container.

Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của hai cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu mặt hàng gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.

Ngay sau khi thông tin "nghẽn" cảng được công bố, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo bày tỏ sự lo lắng đối với tiến độ giao hàng các đơn hàng đã ký cũng như khả năng nhận thêm đơn hàng mới trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay.

Chia sẻ với người viết, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: "Việc Tân cảng Hiệp Phước ngừng hoạt động ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. 

Tại Bến 125 Tân Cảng Cát Lái số máy được mở để đóng rút hàng rất ít so với năng lực thực tế, chỉ đạt khoảng 25% công suất do thiếu nhân công nên khi Tân Cảng Hiệp Phước bị thắt chặt thì tình hình càng khó khăn hơn".

Cũng theo Phó Chủ tịch VFA, Bến 125 Tân Cảng Cát Lái là cảng đóng gạo chính tại TP HCM nhưng hiện tại chỉ hoạt động với công suất khoảng 70 container/ngày. 

Nếu tính trung bình mỗi container khoảng 25 tấn gạo, mỗi ngày sẽ chỉ có khoảng 1.750 tấn gạo được đóng container để xuất khẩu. 

So với nhu cầu xuất gạo của doanh nghiệp, công suất này là quá nhỏ khiến cho lưu lượng đóng cũng khó thông ngay lúc này bởi liên quan đến rất nhiều vấn đề cộng sinh trong xuất khẩu gạo.

“Còn hàng loạt vấn đề liên quan, như logistics từ nhà máy lên cảng, năng lực bốc xếp của công nhân tại cảng cũng là vấn đề lớn vì hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội”, ông Nam nói.

Chia sẻ cụ thể tình hình của Intimex Group, theo ông Nam, kế hoạch giao hàng tháng 8 này của Intimex Group là 90.000 tấn nhưng thực tế chỉ giao được khoảng 60.000 tấn, giảm trên 30% và cộng thêm tình hình của Tân Cảng Hiệp Phước thì sang tháng tới sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng đã cam kết với khách hàng.

“Nếu hợp đồng cứ tiếp tục tình trạng chậm trễ thì sẽ là khó khăn lớn và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐQT Intimex Group chia sẻ.

Khó chồng khó vì nghẽn cảng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo bế tắc không dám ký hợp đồng - Ảnh 1.

Dự kiến, sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021, hoạt động của Tân Cảng Hiệp Phước mới vận hành trở lại. (Ảnh: TTXVN)

Đây cũng là điều trăn trở lúc này của ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE khi cho biết doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.

Theo ông Có, mặc dù Tân Cảng Cát Lái vẫn tiếp nhận đóng hàng gạo, tuy nhiên, không đáp ứng được yêu cầu do tình trạng thiếu hụt nhân công. 

Trong khi đó, tại các tỉnh như Cần Thơ đang siết chặt phong tỏa để kiểm soát dịch nên việc giao hàng cho xuất khẩu gần như tê liệt, nhất là việc kiểm soát chặt thẻ đi đường làm cho hàng xuất khẩu không làm được hồ sơ xuất khẩu.

"Tâm lý người lao động chưa được tiêm vắc xin đầy đủ đang lo sợ lây nhiễm nên không tuyển được nhân sự thời điểm này. 

Trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp không có nhân công để triển khai hợp đồng nên đã xảy ra tình trạng khách hàng đã chuyển đơn hàng sang các nước khác còn doanh nghiệp muốn giữ uy tín cũng không có cách nào", ông Phan Văn Có cho hay.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại Cần Thơ, Cảng Tân Cảng Thốt Nốt chưa hoạt động trở lại. Lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này tính đến ngày 26/8 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng.

Đáng chú ý, đại diện Công ty TNHH VRICE cho rằng hiện tại giá gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhưng giá cước vận chuyển từ Việt Nam đi lại cao nhất khu vực, dẫn đến giá thành hàng hoá của Việt Nam không cạnh tranh được với các nước khác. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. 

"Thực tế này khiến doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu nhiều thiệt hại từ doanh thu đến uy tín với khách hàng khi không thể xúc tiến giao hàng đúng kế hoạch được ký kết", ông Có chia sẻ.

Tuy nhiên, việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đóng rút gạo tại Cảng Tân Cảng Hiệp Phước là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh. "Chúng tôi rất mong quý khách hàng đồng cảm và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, thông báo của đơn vị này cho hay.

Công ty cổ phần Cảng Tân cảng Hiệp Phước là một thành viên của Tổng công ty Cảng Sài Gòn, nơi thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản, bách hóa tổng hợp tại khu vực phía Nam TP HCM và các tỉnh lân cận. 

Vì vậy, việc Cảng Tân Cảng Hiệp Phước tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, đặc biệt là mặt hàng gạo trong giai đoạn hiện nay.

Trước thực tế gặp nhiều trở ngại hiện nay, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho rằng Tân Cảng Sài Gòn nên xem lại và cố gắng duy trì các cảng gạo vì các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khắn, đặc biệt là Bến 125 Tân Cảng Cát Lái cần được mở rộng năng lực để ngành hàng được xuất hàng thuận lợi hơn.



Báo cáo phân tích thị trường