Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam “nhất thế giới”?
30 | 10 | 2011
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra dự báo nâng khối lượng xuất khẩu gạo năm 2011 lên 7,5 triệu tấn, tăng 200 nghìn tấn so với mức dự báo của tháng trước, dự kiến đem lại giá trị kỷ lục hơn 3,7 tỷ USD. Dự báo lạc quan này căn cứ vào kết quả 9 tháng qua đã xuất 6 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỉ USD.
Xuất khẩu gạo 9 tháng qua đã tăng 9,13% về lượng và 23,71% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 ngày đầu tháng 10/2011, đã giao thêm gần 75 nghìn tấn, trị giá gần 40 triệu USD. 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm này, tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết với Indonesia cho cả năm 2011 là 1,750 triệu tấn gạo. Trong đó, đã giao 1.230 nghìn tấn. Giá xuất khẩu đã tăng gần 4% so với tháng trước. Hiện giá xuất bình quân dao động từ 517-520 USD/tấn. Như vậy khác với năm ngoái giá gạo đi xuống vào những tháng cuối năm thì năm nay giá gạo đang có xu hướng tăng mạnh.
Bà Kim Dung, chuyên gia phân tích ngành hàng lúa gạo của Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) cho biết, hiện có rất nhiều yếu tố cùng chi phối tác động đẩy giá gạo lên. 
Một là, từ 7/10/2011, chính phủ Thái Lan bắt đầu chương trình thu mua lúa gạo với mức giá cao hơn 50% so với mức giá trên thị trường của gạo vụ cũ. Với giá thu mua cao của Thái Lan, sẽ buộc giá xuất khẩu phải từ 750 - 800 USD/tấn trở lên, như vậy sẽ làm thị trường gạo thế giới biến động. 
Hai là, lũ lụt đang đồng loạt xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á gây sụt giảm nguồn cung trong ngắn hạn. Dự kiến, Thái Lan có thể mất 3 - 5 triệu tấn lúa do lũ lụt; lũ lụt tại Campuchia, Lào, Philippines và Myanmar cũng có thể gây thiệt hại thêm 2 – 3 triệu tấn gạo. 
Philippines, nhà nhập khẩu lớn trên thị trường thế giới, có thể mất khoảng 1 triệu tấn gạo do lũ lụt, có thể đẩy kim ngạch nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2012 vượt mục tiêu 500 ngàn tấn ban đầu. Lũ lên trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam cũng có thể làm ảnh hưởng đến vụ lúa thu đông. Trong khi đó, giá gạo nội địa của Việt Nam đang tăng nóng do các nhà giao dịch tăng cường tích trữ, chờ giá lên. 
Ba là, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ đang tăng lên và ngày càng khó giao hàng do tình trạng tắc nghẽn tàu tại các cảng. 
Bốn là, sản lượng gạo hạt dài của Mỹ giảm khoảng 20 – 30% so với năm 2010 và nước này đang phải đối phó với vấn đề chất lượng gạo vụ cũ thấp. Sản lượng gạo vụ mới tại Nam Mỹ, hiện đang gieo trồng, có thể giảm so với năm ngoái do giá gạo địa phương không khuyến khích nông dân trồng lúa và một số khu vực trồng lúa tại Nam Mỹ thiếu nước do hiệu ứng La Nina. Chỉ có rất ít yếu tố chi phối giá xuống, chủ yếu từ dự báo của cả FAO và USDA đều dự đoán sản lượng gạo thế giới năm 2011 sẽ đạt mức cao kỷ lục; tỷ lệ dự trữ năm 2011 duy trì ở mức khoảng 30%. 
Việt Nam sẽ là điểm thu hút đối tác nước ngoài vì nguồn cung gạo chất lượng cao tương tự Thái Lan trong khi giá thấp hơn. Thậm chí, hơn một tháng qua nhiều doanh nhân Thái Lan cũng đã đến Việt Nam tìm nguồn cung cấp gạo vì giá gạo trong nước Thái Lan quá cao.
Với thực tế diễn biến như vậy nên nhiều chuyên gia nhận định thị trường gạo chia làm hai phân khúc là gạo cấp thấp, giá rẻ với nguồn cung từ Ấn Độ và gạo cao cấp, giá cao được cung cấp từ Thái Lan và Việt Nam. Vì giá gạo Thái Lan tăng quá nhanh nên Việt  Nam hưởng lợi trong phân khúc gạo này, do đó giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến tháng 6/2012.
Dự kiến, tổng sản lượng gạo của Thái Lan sẽ giảm mạnh, chỉ còn 21 triệu tấn gạo. Và với động thái thu mua dự trữ lúa gạo với giá cao ngất ngưởng hiện nay, sẽ khiến khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2011 giảm 2-3 triệu tấn so với các năm trước, để xuống dưới mức 7 triệu tấn. Nếu như kịch bản này xảy ra và xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt được đúng như dự báo 7,5 triệu tấn, thì đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam vươn lên đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu gạo. 
Giá lúa gạo trong nước hiện nay ở mức cao do nhiều yếu tố tác động: bên cạnh diễn biến ngập lụt tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cơn bão tràn vào, gây mưa lớn nhiều nơi ở Bắc Trung bộ, lại rơi vào cuối vụ, lúa hàng hóa không nhiều. Giá lúa cao đã giúp người dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long lãi rất cao, trên 80% so với chỉ đạo của Thủ tướng đảm bảo bà con lãi 30% trở lên. 
Khoảng 1 tuần qua, giá gạo nguyên liệu tại đây tăng khoảng 500 đồng/kg, làm gạo 5% tấm thành phẩm tại Tp.HCM tăng khoảng 500 - 800 đồng/kg, người tiêu dùng phải mua với giá 12.000 đồng - 12.500 đồng/kg. 
Vì giá gạo trong nước đang tăng nhanh vượt cả mức giá mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã trót ký hợp đồng xuất khẩu từ trước, vì vậy mới đây những nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã hủy hợp đồng xuất khẩu lên đến 500 nghìn tấn do họ không thể thu mua gạo giá cao nội địa để xuất khẩu với mức giá thấp.
VFA khuyến cáo doanh nghiệp thành viên, chỉ ký hợp đồng bán gạo khi có đủ 100% chân hàng trong kho, nhưng điều quan trọng, chưa nên vội vàng ký hợp đồng bán gạo giai đoạn nhạy cảm này.
Theo VnEconomy


Báo cáo phân tích thị trường