Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam chi gần 3 tỷ USD tăng nhập thức ăn chăn nuôi tại nhiều thị trường
13 | 09 | 2021
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7 đạt 477 triệu USD, tăng 50,4% so với tháng 7/2020. 

Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam mua thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ Argentina. Thị trường này chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch, đạt 1,03 tỷ USD, tăng 19,6%. Riêng trong tháng 7, nhập khẩu từ Argentina tăng 144% so với tháng trước đó và tăng 50,2% so với tháng 7/2020, đạt 196,7 triệu USD.

Nhập khẩu từ thị trường Mỹ trong tháng 7 đạt 65,5 triệu USD, tăng 49% so với tháng 6 và tăng 80% so với tháng 7/2020, nâng kim ngạch 7 tháng lên 479,2 triệu USD, tăng 77,7% so với cùng kỳ. 

Ngược lại, mặt hàng trên mua từ Brazil trong tháng 7 lại sụt giảm 28% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 79,5% so với tháng 7/2020, đạt 78,8 triệu USD. Kim ngạch 7 tháng tăng 66,4% so với cùng kỳ, đạt gần 342 triệu USD.

Lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập từ EU trong 7 tháng đầu năm cũng tăng trên 62% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 241,2 triệu USD. Trong khi đó, nguồn từ thị trường Đông Nam Á chỉ tăng 2,6%, đạt 191,7 triệu USD.

Nhìn chung, nhâp khẩu thức ăn gia súc từ hầu hết các thị trường chủ đạo trong 7 tháng đầu năm 2021 đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo Chính phủ, những năm gần đây, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng bình quân 13-15%/năm.

Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi nhưng hiện nay giá thành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đang rất cao. 

Nguyên nhân chính là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm; các tác động của đại dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế.

Dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ dành cho ngành gia cầm. 

Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới rất khó dự đoán trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.



Báo cáo phân tích thị trường