Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su: Nâng cao chất lượng để tăng giá trị
26 | 07 | 2022
Thị trường XK chính cao su Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Nâng chất lượng là một trong những biện pháp hữu hiệu gia tăng giá trị, đa dạng hóa thị trường.

Nguồn: Theo congthuong.vn

Hiện, thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam vẫn chủ yếu là Trung Quốc. Nâng chất lượng là một trong những biện pháp hữu hiệu để gia tăng giá trị cũng như đa dạng hóa thị trường, phát triển bền vững.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 187,83 nghìn tấn cao su, trị giá 310,1 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su cả nước đạt 787,26 nghìn tấn, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su: Nâng cao chất lượng để tăng giá trị

Ngành cao su cần hỗ trợ để có nguồn cung bền vững

Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam. Năm 2021, thị trường này tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất chiếm trên 70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu. 6 tháng đầu năm thị trường này tiêu thụ 536,32 nghìn tấn, trị giá 899,28 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Chủng loại cao su thiên nhiên xuất khẩu từ Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó cao su hỗn hợp đóng vai trò chủ đạo, chiếm gần 63% trong tổng lượng xuất khẩu.

Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - nhận định, sự dễ tính từ thị trường Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng. Trong khi đó, khâu xuất khẩu các sản phẩm cao su được chế biến sâu với hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, sản xuất cao su thiên nhiên bền vững trong tương lai được xem là hướng đi tất yếu của Việt Nam. “Đây là cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản phẩm đầu ra; đồng thời, giúp cho việc đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”- ông Tô Xuân Phúc khẳng định và cho biết, trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Các tiêu chí FSC được coi là khắt khe hơn so với PEFC.

Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS. Toàn bộ diện tích này của các công ty cao su nhà nước. Mặc dù tốc độ mở rộng diện tích đạt chứng chỉ nhanh, tuy nhiên, các diện tích đạt chứng chỉ vẫn chưa xứng với tiềm năng của ngành. Toàn bộ các diện tích cao su tiểu điền đến nay chưa đạt chứng chỉ; đặc biệt chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC.

Xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm thúc đẩy những thay đổi trong ngành cao su Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng cao hơn với giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức nhằm phát triển bền vững ngành cao su, về phía các doanh nghiệp cần xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.

Xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm là kim chỉ nam, thúc đẩy những thay đổi trong ngành cao su Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng cao hơn với giá cả cạnh tranh.

 



congthuong.vn
Báo cáo phân tích thị trường