Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn thức ăn giàu đạm động vật trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
17 | 11 | 2023
Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) được sản xuất với vài chục loại nguyên liệu khác nhau, trong đó các nguyên liệu giàu đạm có nguồn gốc từ động vật vẫn thường được ưa chuộng vì có hàm lượng đạm và các acid amin thiết yếu cao, và nhất là không chứa chất xơ và tinh bột, vốn được xem như những chất kháng dinh dưỡng đối với các loài vật nuôi như tôm, ếch, một số loài cá không ăn được thức ăn nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, bột cá chất lượng cao có nguồn cung rất thấp và giá quá cao, còn các loại nguyên liệu giàu đạm từ động vật như bột thịt xương, bột huyết thì gặp khó khăn trong việc sản xuất và lưu thông, phân phối do mối quan ngại trên khắp thế giới về những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật. Đây là nguồn nguyên liệu ngoại nhập nên dẫn đến nguồn cung cấp các nguyên liệu giàu đạm nguồn gốc động vật dùng sản xuất TĂCN ở Việt Nam ngày càng khan hiếm.

Nguồn: nhachannuoi.vn

Với các nguyên liệu giàu đạm nguồn gốc từ thực vật như khô dầu đậu nành, khô dầu cải (rapeseed meal hoặc canola meal) cũng có hạn chế là thường có hàm lượng đạm thô thấp hơn so với bột thịt xương và càng thấp hơn nhiều so với bột huyết. Thí dụ khô dầu cải thường chỉ có hàm lượng đạm thô khoảng 35-37% so với 50% đạm thô của bột thịt xương hoặc 75-80% đạm thô của bột huyết. Do vậy, nếu rút bỏ không dùng 5% bột thịt xương trong công thức thì sẽ phải thay bằng khoảng 7,5% khô dầu cải đắng mà như vậy thì lấy mất 2,5% của nguyên liệu khác nào đó nữa nên sẽ lại bị thiếu hụt dưỡng chất, thường là giá trị năng lượng, cần phải tiếp tục cân đối thêm nên sẽ làm giá của công thức thức ăn tăng lên cao hơn. Chưa kể là khô dầu cải thường chứa nhiều độc tố, chỉ nên sử dụng chừng 3-5% trong công thức thức ăn cho heo, gà lớn và ít hơn nữa hoặc không dùng trong thức ăn cho heo con, gà con.

Hình 1. Hình ảnh thực tế mẫu nguyên liệu đạm đơn bào ở dạng bột và dạng lỏng

Giải pháp khả dĩ nhất hiện nay cho các trở ngại nêu trên là nguồn nguyên liệu thức ăn mới xuất hiện trên thị trường TĂCN ở Việt Nam trong vài năm nay, được gọi tên chung là nguyên liệu ĐẠM ĐƠN BÀO (ĐĐB) ở dạng bột hoặc dạng lỏng. Các nguyên liệu này có nguồn sản xuất trong nước nên có lợi thế là nguồn cung và giá cả khá ổn định trong năm.

 ĐẠM ĐƠN BÀO LÀ GÌ?

  Đạm đơn bào được dịch từ cụm từ tiếng Anh “Single-cell protein”. Đây là thuật ngữ để chỉ sinh khối thu được có thành phần chủ yếu là đạm (protein) sau một qui trình lên men nuôi cấy các vi sinh vật (vsv) đơn bào. Các vsv đơn bào này có thể là vi khuẩn, nấm men, nấm mốc, hoặc một số loài tảo. Thường việc nuôi cấy các loài vsv đơn bào là để thu được một sản phẩm đặc trưng nào đó (ví dụ như để thu được acid amin glutamic hay một loại acid amin khác như lysin, threonin…) và sau đó để lại một lượng sinh khối lớn, được gọi là “sản phẩm đồng hành” có chứa hàm lượng đạm thô rất cao.

 Hiện nay ở thị trường TĂCN Việt Nam các nguyên liệu ĐĐB được sử dụng chính là các sản phẩm đồng hành này nên có giá cả rất hợp lý. Nguyên liệu ĐĐB phần lớn là sản phẩm thu được từ qui trình lên men tạo ra bột ngọt (mono-sodium glutamate) và loại dạng bột là được xử lý bằng công nghệ sấy phun tiên tiến để tạo nên nguyên liệu có cảm quan đẹp, giữ được chất lượng của hàm lượng cao protein có trong nguyên liệu, thuận tiện khi sử dụng ở quy mô sản xuất nhỏ; còn loại dạng lỏng thì có giá bán rất thuận lợi cho nhà máy sản xuất TĂCN sử dụng với quy mô lớn.

Bảng 1. Thành phần hóa học căn bản của một vài nguyên liệu đạm đơn bào phổ biến

Dưỡng chất (%)

Đạm đơn bào dạng bột

Đạm đơn bào dạng lỏng

Vật chất khô

98.80

40.60

Protein thô

57.70

25.30

Béo thô

1.81

0.92

Xơ thô

0.00

0.00

Tinh bột

0.97

0.58

Khoáng TS

15.10

6.22

Calci

0.03

0.02

Phospho ts

0.96

0.43

Sodium

3.81

1.16

Chloride

0.11

0.08

SỬ DỤNG CÁC NGUYÊN LIỆU ĐẠM ĐƠN BÀO TRONG THỨC ĂN CHĂN NUÔI

 Với thành phần hóa học của một số nguyên liệu đạm đơn bào đã trình bày trong Bảng 1, cho thấy các nguyên liệu này có thể được dùng trong sản xuất TĂCN với tính chất là một nguyên liệu thức ăn giàu đạm. Một số thí nghiệm đã thực hiện tại Đại Học Nông Lâm TP. HCM cũng như thực tế sản xuất trong hơn hai năm qua đã cho thấy ĐĐB có thể được dùng trong thức ăn cho heo, các loài gia cầm, thú ăn cỏ (bò, dê), thức ăn cho thủy sản (tôm, cá tra, cá có vảy, ếch).

 Với tôm, cá lóc, ếch là các loài ăn động vật thì nguyên liệu ĐĐB nhờ không chứa chất xơ và rất ít tinh bột và nên khi dùng sản xuất thức ăn hỗn hợp càng phù hợp cho sinh lý tiêu hóa của các loài này, không sợ gây ra các chứng khó tiêu, tiêu chảy như khi dùng một lượng nguyên liệu cung đạm từ thực vật.

 Với bò, dê là loài ăn cỏ, chỉ cần nguồn cung đạm cao với giá rẻ thì lại càng thuận lợi khi sử dụng các nguyên liệu ĐĐB để sản xuất thức ăn hỗn hợp hoặc dùng trực tiếp trong khẩu phần ăn hàng ngày mà không sợ bò, dê bị ngộ độc như khi dùng urê quá liều.

 Các loài vật còn lại ăn tạp thì khi dùng nguồn nguyên liệu ĐĐB sản xuất thức ăn hỗn hợp cũng sẽ không có gì khó khăn. Đương nhiên nhà sản xuất sẽ phải cân đối thêm các acid amin thiết yếu cho đầy đủ theo nhu cầu vật nuôi. Nhờ giá các nguyên liệu ĐĐB tính theo % đạm thô là khá rẻ, nhất là nguyên liệu dạng lỏng, nên cho dù có phải thêm chi phí bổ sung acid amin cần thiết thì với thức ăn hỗn hợp của heo hay gia cầm có dùng 2-3% ĐĐB dạng lỏng sẽ giúp giảm được giá thành công thức thức ăn từ vài chục đến cả trăm đồng trên một kg.

 Đặc biệt ở heo con và gà, vịt con có mức nhu cầu về acid amin glutamic là khá cao thì khi sử dụng 2-4% ĐĐB dạng bột trong công thức thức ăn sẽ còn cung cấp thêm được một lượng acid glutamic đáng kể, tạo độ ngon miệng, giúp heo con, gà vịt con ăn được nhiều hơn và tăng trưởng tốt hơn so với khi dùng thức ăn thông thường. Đồng thời đạm trong các nguyên liệu ĐĐB có khá nhiều ở dạng acid amin tự do nên vật nuôi càng dễ tiêu hóa; và chắc chắn không chứa các protein khó tiêu hóa (keratin) như trong bột thịt xương hay bột phụ phẩm gia cầm nên sẽ không tạo ra nguồn dưỡng chất cho vi khuẩn có hại ở ruột già phát triển và có thể gây tiêu chảy cho vật nuôi, nhất là ở heo con.

 Bảng 2. Công thức thức ăn gà thịt lông màu giai đoạn 43 ngày đến xuất bán trong thí nghiệm dùng ĐĐB dạng bột (thực hiện tại ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh với giá nguyên liệu tháng 08/2022)

Nguyên liệu, %

Đơn giá

vnd/kg

Đối chứng

(0% ĐĐB)

4% ĐĐB bột

Công thức giả định 0% bột thịt xương

CT giả định 0% bột thịt xương, có ĐĐB bột

Bắp vàng

9.300

66,97

67,67

63,85

66,25

Cám lúa mì

7.100

3,77

2,79

0,00

0,00

Khô dầu đậu nành 47

14.500

19,95

18,04

29,74

21,37

Bột thịt xương 50

15.600

6,22

4,68

0,00

0,00

Đạm đơn bào bột

0,00

4,00

0,00

6,85

Dầu đậu nành

31.100

0,60

0,60

2,26

1,68

Bột đá vôi

750

1,13

1,23

1,60

1,53

Muối ăn + NaHCO3

0,48

0,00

0,50

0,00

Các nguyên liệu khác

7,10

5,67

2,05

2,32

Cộng

 

100,00

100,00

100,00

100,00

Giá công thức, vnđ/kg

 

11.485

11.399

11.796

11.575

Chênh lệch

vnd/kg

– 86

– 221

 

Trong thí nghiệm ở heo (Bảng 3), dùng ĐĐB dạng lỏng, có hàm lượng vật chất khô và thành phần các dưỡng chất chỉ bằng khoảng phân nửa so với dạng bột. Tuy nhiên, nhờ vào giá bán ĐĐB dạng lỏng trong thực tế chỉ bằng khoảng hơn 1/4 giá của ĐĐB dạng bột nên tuy trong công thức cho heo con giai đoạn 7-15 kg trong thí nghiệm thực tế hay trong công thức giả định là không có bột thịt xương, lượng ĐĐB dạng lỏng chỉ sử dụng có 1,36% hoặc 1,00% mà cũng đã đem lại kết quả giúp giảm được giá thành thức ăn hơn 120 đồng/kg thức ăn.

 Bảng 3. Công thức thức ăn heo con 7-15 kg trong thí nghiệm dùng ĐĐB dạng lỏng (thực hiện tại ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với giá nguyên liệu tháng 04/2023)

Nguyên liệu, %

Đơn giá

vnd/kg

Đối chứng

(0% ĐĐB)

Có ĐĐB lỏng

Công thức giả định 0% bột thịt xương

CT giả định 0% bột thịt xương, có ĐĐB lỏng

Bắp vàng

8.350

25,00

25,00

25,00

25,00

Tấm + Cám gạo loại I

25,64

24,26

32,03

26,30

Đậu nành lên men

21.000

13,76

12,70

15,44

15,42

Khô dầu đậu nành 47

14.500

10,00

10,00

10,00

10,00

Bột váng sữa + Lactose

9,00

9,00

9,00

9,00

Bột thịt xương 50

17.800

3,55

5,56

0,00

0,00

ĐĐB lỏng

0,00

1,36

0,00

1,00

Dầu đậu nành

31.100

1,44

1,44

1,46

1,47

Bột đá vôi

750

1,27

1,20

1,40

1,30

Muối ăn + NaHCO3

0,38

0,10

0,10

0,15

Các nguyên liệu khác

9,96

9,38

5,57

10,36

Cộng

 

100,00

100,00

100,00

100,00

Giá công thức, vnđ/kg

 

15.732

15.606

15.818

15.696

Chênh lệch

vnd/kg

– 126

 

– 122

Điều quan trọng là tuy giảm được giá thành thức ăn nhưng với các công thức thức ăn thí nghiệm vẫn được tổ hợp theo đúng mức nhu cầu dưỡng chất của vật nuôi như ở lô đối chứng không dùng ĐĐB nên khi kết thúc thí nghiệm, các chỉ tiêu năng suất chính như sức tăng trưởng, hệ số chuyển hóa thức ăn, tỷ lệ nuôi sống của hai lô đối chứng và lô thí nghiệm vẫn đạt được tốt, tương đương với nhau.

 Do đó, có thể đưa đến kết luận là có thể sử dụng ĐĐB dạng bột trung bình 3-6% hoặc ĐĐB dạng lỏng ở mức 2-3% trong công thức thức ăn cho heo, gà, bò hoặc bất kỳ loài vật nuôi khác để làm giảm giá thành công thức thức ăn, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, mà vẫn đạt được kết quả tốt về năng suất chăn nuôi như thông thường.

 TS. Dương Duy Đồng,
Email: dong.duongduy@hotmail.com



Báo cáo phân tích thị trường