Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra gặp khó khăn vì… giá thấp
15 | 08 | 2008
Cá tra của Việt Nam gần đây đang mất giá ở tất cả các thị trường trên thế giới, mà lý do đưa ra là chất lượng, song theo các quan chức VASEP thì nguyên nhân chính lại do cá tra Việt Nam bán… giá thấp.
Chiều 12/8, tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương có cuộc làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và đại diện khoảng 50 doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu cá tra.

Cuộc họp đã chỉ ra phần nào nguyên nhân của những khó khăn đối với con cá tra hiện nay.

Ta hại ta

Dù vẫn là sản phẩm độc quyền nhưng cá tra của Việt Nam đang mất giá ở tất cả các thị trường thế giới. So với năm 2007, các tháng đầu năm 2008 giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam giảm 8,59%.

Sự mất giá ấy không chỉ gây ra thua thiệt lớn mà còn ẩn chứa những nguy cơ khó lường.

Hiệp hội Chủ tàu ở Tây Ban Nha đang có chiến dịch tẩy chay cá tra Việt Nam và yêu cầu chính phủ nước này cấm nhập khẩu.

Thị trường Ba Lan, Pháp cũng đang có những phản ứng tương tự cho thấy nguy cơ tác động dây chuyền.

Nguyên nhân đưa ra là chất lượng, song theo các quan chức VASEP thì nguyên nhân chính lại do cá tra Việt Nam bán… giá thấp, trong khi các loại cá khác đều phải tăng giá bởi lạm phát.

Theo thống kê của VASEP, hiện nước ta có 168 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Trong đó, chỉ 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, còn 111 doanh nghiệp đơn thuần mua bán. 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến đã xuất khẩu hơn 245.000 tấn với kim ngạch hơn 563 triệu USD, về sản lượng cũng như kim ngạch đều chiếm 93% cả nước. 111 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 7%.

Để hình dung thêm về lực lượng “thượng vàng hạ cám” xuất khẩu cá tra, xin đưa ra con số thống kê sau đây: 5 doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu hàng đầu đạt kim ngạch hơn 241 triệu USD. Còn 5 doanh nghiệp không có nhà máy chế biến đứng hàng cuối cùng đạt kim ngạch 17.785 USD, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu ít nhất chỉ 0,12 tấn với 28 USD.

Giá xuất trung bình thấp nhất là vào Ucraina chỉ có 1,09 USD/kg, cao nhất là vào Hà Lan 4,16%, chênh lệch nhau 382%. Đây là mức chênh lệch bất bình thường, bình thường chỉ chênh lệch 10%.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp nói thẳng: Có nhà nhập khẩu của nước ngoài rao trên mạng internet giá nhập khẩu cá tra rẻ một cách vô lý, thế nhưng ở Việt Nam vẫn có người đáp ứng. Từ phá giá dễ dẫn đến gian lận chất lượng và phá luôn uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.

Xốc lại bằng cách nào?

Tình trạng “ta hại ta” trong làm kinh tế, đặc biệt khi vươn ra thị trường thế giới của doanh nghiệp Việt Nam không phải là hiếm.

Cá tra Việt Nam đầu năm 2008 so với năm 2007 bị hạ giá ở tất cả các thị trường. Trong đó, giảm nhiều nhất ở thị trường Trung Đông đến 20,58%, kế tiếp thị trường châu Á 10,95%, Đông Âu 10,8%, Nam Mỹ 8,62%, châu Âu 7,01%, châu Đại Dương 4,94%, châu Phi 2,8%, giảm ít nhất ở thị trường nước Mỹ 1,34%.

Các ông Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng, Ngô Phước Hậu đều bức xúc là tại sao các doanh nghiệp nắm đến 93% sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu lại “chịu thua” những doanh nghiệp chỉ nắm 7%, để cho 111 doanh nghiệp mua bán đơn thuần gây lộn xộn? Có vấn đề quản lý nhà nước, quản lý tiêu chuẩn chất lượng tuy nhiên sức mạnh của các doanh nghiệp hàng đầu ở đâu?

Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải nêu ý kiến: “Có thể 30 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm đến 86% sản lượng xuất khẩu, tập hợp lại trước để cố gắng nâng giá cá bán ra nước ngoài cũng như giá mua cho người nuôi”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương nói: “Đúng là nhóm doanh nghiệp mạnh, có tâm huyết cần tập hợp lại trước để làm nòng cốt. Từ đó dần dần phân định ra những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chưa đàng hoàng và công khai hết để đề cao chất lượng.

Chúng ta cần 3 tăng là hiệu quả, chất lượng, hợp tác; 3 giảm là cạnh tranh nội bộ, gian lận, lãng phí. Trong lãng phí cần kể cả lãng phí do tranh cãi nhau giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người nuôi”.

Rõ ràng hợp tác đã là thúc bách của cuộc sống. Nhưng vấn đề lại như ông Ngô Phước Hậu nói: “Mấy tháng nay chúng ta họp nhiều hơn đi bán cá. Họp 15 doanh nghiệp, lại 30 doanh nghiệp rồi 50 doanh nghiệp. Vấn đề bây giờ là làm”.

Rõ ràng khó khăn không còn ở tư duy mà dường như ở chỗ, các nhà kinh doanh nước ta chưa được học cách hợp tác nên lúng túng. Một ví dụ tươi rói được nêu ra: Xuất khẩu vào thị trường nước Mỹ hiện chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy nhưng một doanh nghiệp cũng cạnh tranh với doanh nghiệp kia bằng chiêu khuyến mãi, cứ mua 10 gói thì tặng thêm 1 gói.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường