Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ thêm nhãn, chôm chôm vào Mỹ
05 | 09 | 2008
Sau thanh long, nhãn và chôm chôm cùng một số loại trái cây khác đang đứng trước cơ hội vàng thâm nhập hệ thống các siêu thị tại Mỹ, Nhật. VN sẽ thu về hàng chục triệu USD, nếu như ngay từ bây giờ các ngành cùng với nhà nông bắt tay… vào cuộc.
Sau trái thanh long, nhãn và chôm chôm sẽ tiếp nối có mặt trong các siêu thị Mỹ trong thời gian tới. Thông tin trên được TS Phạm Ngọc Liễu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (NCCĂQMN) – khẳng định tại hội thảo “Trồng, chế biến và xuất khẩu rau quả sang châu Âu” ngày 4-9 tại Tiền Giang.

Điều đáng nói là chính các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến VN đặt vấn đề nhập khẩu trái chôm chôm và nhãn, chứ không phải các doanh nghiệp (DN) VN tiếp cận thăm dò thị trường như các loại trái cây khác.

Cơ hội… vàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện NCCĂQMN, người trực tiếp làm việc với nhóm chuyên gia trên - cho biết: cách đây khoảng một tuần, ba chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đến viện và đặt vấn đề sau trái thanh long, Mỹ đang muốn nhập nhãn và chôm chôm của VN. Tuy nhiên, để vào thị trường Mỹ hai loại trái cây này phải đạt chứng nhận Global GAP (chứng nhận toàn cầu về quy trình sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Hai chuyên gia này còn cho biết Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến nhập hơn 10 loại trái cây VN, nhưng trước mắt chọn trái chôm chôm và nhãn, vì qua kiểm tra họ thấy vấn đề sâu hại của hai loại này không có gì “lạ”.

Để sớm xúc tiến việc nhập khẩu chôm chôm và nhãn VN, Bộ Nông nghiệp Mỹ đề nghị Viện NCCĂQMN hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất Global GAP giống như trái thanh long Bình Thuận trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo ông Châu, nếu được các HTX trồng chôm chôm và nhãn trong vùng hợp tác chặt chẽ cũng phải mất khoảng một năm mới có thể được cấp chứng nhận Global GAP.

Việc thực hiện Global GAP bước đầu có nhiều thuận lợi vì các tỉnh phía Nam hiện có vùng chuyên canh cây nhãn và chôm chôm rất lớn (mỗi loại có hơn 60.000ha), Viện NCCĂQMN sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và lại được phía Mỹ “đặt hàng”. Vấn đề còn lại là các HTX, các tổ hợp tác trồng chôm chôm và nhãn phải hợp tác với viện càng sớm càng tốt.

“Ngay bây giờ các địa phương và HTX phải chủ động liên hệ với viện đề nghị hỗ trợ thực hiện quy trình Global GAP. Việc đưa hai loại trái cây này vào Mỹ nhanh hay chậm là do nông dân quyết định. Đây là cơ hội vàng không phải lúc nào cũng có, nên cần nắm bắt ngay mới được”-TS Châu nói.

Khẩn trương triển khai quy trình Global GAP

Nhãn VN sẽ có thêm thị trường mới đem đến niềm vui cho nhà nông (ảnh chụp chiều 4-9 tại xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang) - Ảnh: V.Trường.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định so với thanh long, nếu chôm chôm và nhãn vào thị trường Mỹ thì giá trị xuất khẩu sẽ rất lớn do diện tích trồng hai loại này gấp nhiều lần diện tích trồng thanh long. Vùng chuyên canh nhãn hiện tập trung ở các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre; còn vùng trồng chôm chôm tập trung ở Long Khánh (Đồng Nai), Chợ Lách (Bến Tre), Tân Phong (Tiền Giang). Vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng chôm chôm và nhãn rất lớn nhưng thường bị mất giá.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Tiền Giang, thời gian gần đây Công ty TNHH MT ở Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho) cũng đã xuất khoảng 1.000 tấn chôm chôm tươi (sau khi cắt bỏ 1/2 vỏ) sang thị trường Hàn Quốc và một số ít vào siêu thị ở Mỹ. Công ty Xoài ở Hà Nội cũng đóng gói chôm chôm và nhãn xuất sang Nga. Tuy nhiên đây cũng chỉ là động tác thăm dò thị trường chứ không phải được “đặt hàng” chính thức.

Chính vì vậy, nếu có được “giấy thông hành” Global GAP thì cánh cửa xuất khẩu sẽ rộng mở hơn đối với chôm chôm và nhãn. Bằng chứng rõ nhất là trái thanh long sau khi có chứng nhận Eurep GAP sản lượng xuất khẩu sang châu Âu đã tăng gấp đôi năm 2007. Theo Viện NCCĂQMN, ngoài ba trang trại thanh long ở Bình Thuận đạt Eurep GAP, hiện nay ở các tỉnh phía Nam chỉ mới có hai loại trái cây được công nhận Global GAP là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu (Cần Thơ).

Chiều 4-9, ông Nguyễn Văn Phòng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đã nhận được thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ đặt hàng nhập khẩu chôm chôm và nhãn. “Lãnh đạo UBND tỉnh rất vui với tin này. Ngày 3-9 tôi đã chỉ đạo thành lập ngay ban chỉ đạo triển khai xây dựng quy trình sản xuất GAP với các loại trái cây đặc sản của tỉnh, đến năm 2010 phải được đánh giá, công nhận. Trước mắt sẽ làm chôm chôm và nhãn theo yêu cầu của thị trường Mỹ”-ông Phòng cho biết. Để xây dựng Global GAP, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí và bố trí cán bộ kỹ thuật để thực hiện. Đến khi đủ điều kiện thu hoạch xuất khẩu tỉnh sẽ tiếp tục có chế độ hỗ trợ DN.

Còn phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo phấn khởi nói: “Đây thật sự là tin rất vui đối với bà con nông dân tỉnh Bến Tre. Chúng tôi sẽ liên hệ với Viện NCCĂQMN để xây dựng mô hình Global GAP cho vùng chuyên canh cây chôm chôm và nhãn của tỉnh trong thời gian sớm nhất”.

Sẽ thu hàng chục triệu USD, nếu...

Hiện Nhật đang nhập trái sơri của VN (chỉ ở Tiền Giang) và sắp nhập trái thanh long. Nhật cũng đang chuẩn bị ký hiệp định kiểm dịch thực vật với VN. Cơ hội cho trái cây VN vào thị trường này vì vậy cũng rất lớn. Ngoài những trái cây chủ lực như thanh long, bưởi, dứa... hiện nay VN cũng đang xuất khẩu trái sapôchê sang thị trường Malaysia, Singapore, Brunei.

TS Nguyễn Minh Châu cho rằng mặc dù hiện nay VN chỉ mới xuất khẩu khoảng 15% tổng sản lượng rau quả, nhưng chỉ có 2,5% sản lượng được xuất tươi, diễn biến xúc tiến thương mại thời gian gần đây cho thấy con đường xuất ngoại của trái cây VN rất thênh thang. “Nếu có vùng chuyên canh lớn thì việc xuất khẩu hàng chục triệu đôla Mỹ/loại cây ăn trái/năm đối với bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, sầu riêng, nhãn, vú sữa, chuối, đu đủ... là không khó” - ông Châu nhấn mạnh.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường