Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao thương hiệu Việt mờ nhạt ?
22 | 09 | 2008
Chất lượng không thua kém nhiều nước khác nhưng hàng VN đều xuất khẩu dưới dạng gia công chế biến, hoặc phải chấp nhận cho DN nước ngoài gắn “tên tuổi” lên hàng hóa để hưởng lợi – cảnh báo tại Hội thảo “phát triển thương hiệu Việt” ngày 20/9 ở TPHCM.
Thiệt đơn, thiệt kép

GS TS Hồ Đức Hùng – Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển (ĐH Kinh tế TPHCM) nhận định: Do không quan tâm đến chiến lược xây dựng thương hiệu, các DN trong nước đang bị “o ép” và rơi vào thế bất lợi ngay trên sân nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn, công ty nước ngoài một mặt tăng cường đầu tư chi phí quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của mình, tạo sức ép cạnh tranh cực lớn đối với DN trong nước nhưng mặt khác họ bắt đầu khai thác một số thương hiệu nổi tiếng sẵn có của VN bằng cách bỏ tiền mua lại và phát triển thành thương hiệu của mình như tập đoàn Unilever mua lại kem đánh răng P/S và khai thác địa điểm xuất xứ “Phú Quốc” đối với sản phẩm nước mắm Knorr Phú Quốc.

Chuyên gia này cung cấp một thông tin gây “choáng váng”: Kết quả điều tra gần đây của dự án hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực xây dựng và quảng bá thương hiệu với mẫu là 500 doanh nghiệp trên toàn quốc thì có đến 25 -30% DN không hề đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, 70% tuy có đầu tư nhưng không đầy đủ, toàn diện.

Chỉ có 5% số DN được hỏi là có đầu tư đầy đủ. DN VN xuất khẩu mạnh các mặt hàng tiêu dùng, nông thủy hải sản, thực phẩm… với chất lượng không thua kém với các sản phẩm quốc tế. Tuy nhiên, khoảng 90% sản phẩm VN vào thị trường thế giới hầu hết thông qua trung gian dưới dạng thô hoặc gia công cho các thương hiệu nước ngoài nên các thương hiệu VN thường rất mờ nhạt.

“Vấn đề xây dựng thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển bền vững, có ý nghĩa chiến lược, sống còn. Thậm chí, không chỉ DN mà nhiều quốc gia hiện nay còn đẩy mạnh các hoạt động Marketing quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhằm thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, tích trữ các nguồn lực để phát triển.

Ở VN gần đây cũng đã chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu với Phở 24, Bưởi 5 Roi,… Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy nhanh, cần quan tâm đến chiến lược xây dựng thương hiệu. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, những khẩu hiệu như “nâng niu bàn chân Việt, người Việt xài hàng Việt”… như một số DN trong nước đã làm rõ ràng không còn phù hợp” – GS TS Hồ Đức Hùng khẳng định.

Bài học từ thương hiệu “Number one”!

Theo GS TS Hồ Đức Hùng, nước uống bổ dưỡng đóng chai Number one của VN là một trong những thương hiệu hiếm hoi thành công ngoạn mục trong chiến lược phát triển thương hiệu.

Number One đã thực hiện được việc phân phối rộng rãi với mức giá phù hợp trong điều kiện bị các “ông lớn” trong ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát cạnh tranh gay gắt. Sự thành công đó là nhờ thương hiệu này đã thể hiện được yếu tố khác biệt hóa bằng cách quảng bá đây là thức uống bổ dưỡng đầu tiên ở VN có giá bán thấp phù hợp với túi tiền số đông người dân.

Ngoài ra, thương hiệu này còn tạo được yếu tố bất ngờ như tung ra sản phẩm thức uống bổ dưỡng vô chai (vốn là thách thức lớn đối với DN trong nước có nguồn vốn hạn chế, công nghệ lạc hậu) khiến cho các đối thủ lớn không quan tâm và không thể ứng phó khi Number One đã ở vào thế “tay trên”.

Bên cạnh đó, việc đưa ra một sản phẩm phù hợp với cơ cấu dân số, thuê dịch vụ quảng cáo nước ngoài, các hoạt động tài trợ,… càng làm cho thương hiệu này nổi bật hơn.

“Xây dựng thương hiệu thành công trước hết phụ thuộc vào việc tìm hiểu khách hàng đã, đang và sẽ tìm kiếm cái gì. Trong bối cảnh gia tăng cường độ cạnh tranh, thương hiệu giữ vai trò quyết định trong việc duy trì khách hàng trung thành, bổ sung không ngừng khách hàng mới, giúp DN tồn tại và phát triển bền vững” – ông Hùng khẳng định.

Ông Stephen William Mangham– Chủ tịch Cty Ogilvy & Mather Singapore đưa ra khái niệm “Lý tưởng lớn” – thứ không thể thiếu trong hành trình xây dựng thương hiệu.

“Steve Jobs của Cty Apple có niềm đam mê kết hợp chức năng cùng thiết kế; Google thì tin rằng mọi người cần được tiếp cận với tri thức và internet là công cụ để thực hiện điều này. Steve Wynn từng ấp ủ 30 năm giấc mơ xây dựng một tổ hợp giải trí hiện đại chưa từng có và ai cũng nghĩ ông điên nhưng giờ đây tổ hợp này đang được áp dụng rộng rãi từ Vegas đến Ma Cao và năm sau là Singapore.

Một lý tưởng sẽ là mục đích cao hơn giúp thu hút sự ủng hộ cho thương hiệu từ nhiều nguồn, tạo nền tảng cho nhiều ý tưởng hay trong thời gian lâu dài và tạo ra sự ủng hộ bền vững để sinh ra nhu cầu thị trường” – Ông Stephen William Mangham chia sẻ.



Nguồn: tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường