Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ hồi phục mạnh
06 | 10 | 2008
Giữa năm nay, nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng do cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ vì đây là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, ba tháng qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ vẫn ổn định, riêng xuất khẩu vào Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tận dụng cơ hội

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 780 triệu đô la Mỹ, chiếm 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước là 2 tỉ đô la Mỹ.

“Ba tháng qua, đơn hàng gỗ vào Mỹ tăng 12%”, ông Quyền nói. Theo ông, tốc độ tăng như vậy là khả quan trong tình hình thị trường bất động sản của Mỹ đang khủng hoảng, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ, trang trí nội thất có xu hướng giảm.

Hội chợ đồ gỗ EXPO 2008 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 12-10, là sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhất được tổ chức hàng năm tại TPHCM, hiện đã có khá nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ đăng ký qua mạng của nhà tổ chức là Sở Công Thương TPHCM để đến tham quan hội chợ dịp này.

Tương tự, thị trường xuất khẩu gỗ vào Nhật trong tháng 6 bị giảm đến 13% nhưng từ tháng 7 đến nay bất ngờ tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng dăm gỗ tăng hơn 100%, các mặt hàng nội thất khác cũng đồng loạt tăng và chỉ trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Nhật tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ông Quyền cho biết hiện thị trường Nhật chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Theo thương vụ Việt Nam tại Nhật, trong hội chợ EXPO 2008, trước nhu cầu của các nhà nhập khẩu đồ nội thất của Nhật, thương vụ đã tổ chức cho một đoàn hàng chục nhà nhập khẩu của Nhật sang tham quan hội chợ, kết hợp khảo sát, tìm hiểu khả năng cung ứng đồ gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng khó khăn của nền kinh tế thế giới khiến nguồn cung đồ gỗ từ một số quốc gia xuất khẩu lớn đang giảm sút và đây là cơ hội của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, vốn ứng phó linh hoạt trong khó khăn.

“Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các phân khúc hẹp của thị trường, các đơn hàng nhỏ phù hợp quy mô của doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp cung cấp đồ gỗ lớn của thế giới ít quan tâm”, ông Hùng nói.

EU là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, và đang được các doanh nghiệp Việt Nam xem là thị trường còn nhiều tiềm năng ở các phân khúc đồ gỗ cao cấp. Ông Hùng cho biết trình độ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã tiến bộ vượt bậc, đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu tương đối khắt khe về kiểu dáng, mẫu mã, nguồn gốc gỗ không tác hại tới môi trường của thị trường EU.

Trong năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ vào EU được hơn 600 triệu đô la Mỹ, chiếm 25% tổng kim ngạch nhưng Hawa dự đoán năm nay, xuất khẩu gỗ vào EU tiếp tục tăng trưởng thuận lợi, có khả năng đạt 780 triệu đô la Mỹ với các thị trường chính là Anh, Pháp, Đức.

Gia tăng đầu tư

Tay nghề của công nhân chế biến gỗ Việt Nam tăng theo cùng năng lực sản xuất - Ảnh: Hồng Văn.

Theo thống kê, cả nước có 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 300 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trực tiếp, sử dụng 170.000 lao động trực tiếp và có năng lực sản xuất tăng gấp 4 lần so với năm 2003, thời điểm mà công nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu bứt phá, tạo ấn tượng mạnh mẽ với các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Năng lực chế biến gỗ của Việt Nam tăng lên không chỉ về số lượng nhà máy, quy mô sản xuất mà còn về đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ quản lý, tay nghề của công nhân.

Tại khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận, nơi quy tụ tới gần 50% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cả nước và có kim ngạch xuất khẩu gỗ chiếm 70% cả nước, trước đây các doanh nghiệp hay sơn đồ gỗ bằng tay nên chất lượng không đạt, dễ trầy xước thì nay, hầu hết các nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương, TPHCM hay Đồng Nai đều đã đầu tư các dây chuyền phun sơn hiện đại của Đức, Ý theo đúng các tiêu chuẩn của Mỹ, EU.

Song song với đầu tư máy móc, tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp gỗ trong nước còn đẩy mạnh đầu tư sản xuất các sản phẩm tinh xảo, có giá trị gia tăng cao như sản xuất đồ gỗ trong nhà, các bộ sản phẩm nội thất phòng ngủ, phòng khách, đầu tư nhiều cho các bộ phận thiết kế mẫu mã. Tại hội chợ EXPO 2008, hơn 70% trong tổng số 840 gian hàng trưng bày tại hội chợ là đồ gỗ nội thất.

Nhiều doanh nghiệp như Trường Thành, AA, Sadaco, Khải Vy gần như chuyển sang chào bán đồ gỗ với các sản phẩm tự thiết kế, thay vì phụ thuộc vào mẫu mã của nhà nhập khẩu. Việc thuê chuyên gia nước ngoài làm việc trong các nhà máy chế biến gỗ ở Việt Nam để đảm trách các khâu thiết kế, tiếp thị sản phẩm không còn là chuyện hiếm, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn mở cả văn phòng đại diện, công ty thương mại tại những thị trường đồ gỗ lớn như Mỹ, EU để đảm nhận khâu phân phối, chào hàng trực tiếp.

Ngoài nhập khẩu gỗ nguyên liệu của nước ngoài, có doanh nghiệp đã tham gia đầu tư trồng rừng quy mô lớn ở trong nước, đầu tư các nhà máy sản xuất gỗ nguyên liệu như ván ép, gỗ MDF nhằm tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu lâu dài.





Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường