Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường gỗ và đồ gỗ
17 | 09 | 2007
Thị trường đồ gỗ ở Châu Á

Thị trường gỗ châu Á

- Trung Quốc: chế tạo dây chuyền sản xuất gỗ panel mới

Mặc dù là thị trường sản xuất gỗ panel hàng đầu thế giới nhưng công suất của các dây chuyền sản xuất mặt hàng này do Trung Quốc chế tạo lại tương đối nhỏ so với các nước phát triển. Công suất dây chuyền sản xuất gỗ panel của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 50.000 m3, trong khi dây chuyền nhập khẩu có công suất lên tới 170.000 m3. Hàng năm, ngành gỗ Trung Quốc phải nhập khẩu 4-6 dây chuyền ép gỗ liên tục từ các hãng như Simpelkamp, Metso và Dieffenbacher. Trước thực trạng này, Công ty sản xuất máy ép gỗ panel Thượng Hải gần đây đã cho ra đời dây chuyền ép gỗ liên tục ContiPlus có công suất hàng năm lên tới 200.000 m3. Dây chuyền sản xuất này có khả năng cho ra đời những sản phẩm gỗ panel với độ rộng và dầy khác nhau. Thiết bị sẽ chính thức được ngành gỗ panel Trung Quốc đưa vào hoạt động trong năm 2007.

Hiện nay, các nhà sản xuất Slovakia cũng đã bày tỏ mối quan tâm đến việc mua dây chuyền sản xuất mới này của Trung Quốc.

- Nhật Bản: hoạt động nhập khẩu gỗ tiếp tục sôi động trong năm 2006

+ Gỗ súc

Nhập khẩu gỗ súc nhiệt đới của Nhật Bản trong tháng 9/06 ước tăng 33%, lên đạt 165.800 m3. Lượng gỗ súc nhiệt đới nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng lên kể từ tháng 3/06 do giá tại thị trường nội địa vững ở mức cao. Tuy nhiên, nhập khẩu gỗ súc trong 9 tháng đầu năm 2006 của Nhật Bản chỉ đạt 1,02 triệu m3, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, với thị trường cung ứng chủ yếu là Malaysia (chiếm 77%, trong đó 2/3 khối lượng mặt hàng này có nguồn gốc từ bang Sarawak), Papua New Guinea (14%), đảo Solomon (8%) và châu Phi (0,5%). Nhập khẩu gỗ súc của Nhật Bản có xu hướng giảm dần vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 khi nguồn cung ứng trở nên hạn chế trong suốt thời gian nghỉ lễ Năm mới và Tết Âm lịch.

+ Gỗ xẻ

Nhập khẩu gỗ xẻ của Nhật Bản trong tháng 10/06 ước đạt 43.150 m3. Trong 10 tháng đầu năm 2006, nhập khẩu gỗ xẻ của Nhật Bản giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 432.800 m3 với thị trường cung ứng chính là Malaysia (tăng 3,7%, lên đạt 166.900 m3) và Trung Quốc (tăng 7,6%, đạt 133.200 m3). Nhập khẩu gỗ xẻ từ Indonesia -thị trường cung cấp lớn thứ 2 của Nhật Bản trước đây- tiếp tục suy giảm do sự khan hiếm nguồn cung gỗ súc (giảm 29%, xuống còn 107.400 m3)

+ Gỗ dán

Tổng nguồn cung gỗ dán trong tháng 10/06 của Nhật Bản đạt 770.000 m3, tăng 15% so với tháng 9/06, nhờ nhập khẩu mặt hàng này hồi phục. Nguồn cung gỗ dán nội địa ước đạt 287.000 m3, mức cao thứ 2 trong năm, trong khi nhập khẩu cũng tăng 22%, lên đạt 483.000 m3. Thị trường cung cấp gỗ dán chính của Malaysia trong thời gian này là Malaysia (241.000 m3, tăng 12,6%), Indonesia (168.000 m3, tăng 47%) và Trung Quốc (62.000 m3, tăng 17%).

Trong 10 tháng đầu năm 2006, nhập khẩu gỗ dán của Nhật Bản từ Trung Quốc ước đạt 507.000 m3, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2005. Nguồn cung gỗ dán từ khu vực Đông Nam Á cũng đã hồi phục mạnh khi lễ hội Ramadan và các lễ hội liên quan khác kết thúc và giá xuất khẩu mặt hàng này tăng lên. Tổng khối lượng gỗ dán nhập khẩu năm 2006 của Nhật Bản ước tăng 4,6% so với năm 2005. Giá gỗ dán tại thị trường nội địa nước này trong tháng 11 và 12/06 cũng đã giảm nhẹ, đặc biệt là gỗ dán mỏng, do nhu cầu tiêu thụ chững lại.

- Malaysia: dần mất vị thế thị trường đồ gỗ hàng đầu ASEAN vào tay Việt Nam

Hội đồng Xuất khẩu Gỗ cứng Hoa kỳ (AHEC) gần đây đã tổ chức một hội nghị cấp cao về đồ gỗ tại Kuala Lumpur với chủ đề “Nhận diện tầm quan trọng của gỗ cứng Mỹ đối với sản xuất đồ gỗ” nhằm thúc đẩy khả năng tiêu thụ mặt hàng này tại Malaysia.

John Chan, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của AHEC cho rằng, do Việt Nam đang nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Malaysia tại khu vực ASEAN (Hiệp hội Các nước Đông Nam Á), Malaysia cần phải cải thiện chất lượng các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu.

Theo ông John Chan, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành nước nhập khẩu gỗ cứng hàng đầu của Mỹ tại ASEAN với kim ngạch ước đạt 50 triệu USD năm 2006, cao hơn so với mức bình quân 32 triệu USD/năm trong 3 năm qua của Malaysia. Mặc dù đồ gỗ Malaysia đứng đầu khu vực với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ Ringgit (1,97 tỷ USD) năm 2006, đồ gỗ Việt Nam cũng đang nhanh chóng tiến gần tới mức này.

Tuy nhiên, theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê Liên hiệp quốc (Comtrade), kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2006 đã vượt qua Malaysia (1,54 tỷ USD), đạt 1,64 tỷ USD.

Theo Jonathan Gressel, Đại sứ Mỹ tại Kuala Lumpur, Malaysia cần phải tìm được chỗ đứng thích hợp tại thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm, có định hướng rõ ràng về nguồn cung gỗ cứng từ nước ngoài và ngành đồ gỗ không nên chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu gỗ cao su.

Ông Chan cũng cho rằng, giá trị các sản phẩm đồ gỗ của Malaysia sẽ tăng lên nếu Malaysia biết kết hợp nguồn nguyên liệu gỗ cao su với nhiều chủng loại gỗ cứng khác.

(Int-CPV)

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2006 của Braxin giảm

Hiệp hội Đồ gỗ Braxin (Abimovel) cho biết, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của nước này năm 2006 ước giảm 5%, xuống còn 950 triệu USD sau 4 năm tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm trên dù sao cũng thấp hơn con số 10% dự báo trước đây.

Trong 11 tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ- thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất của Braxin- chỉ đạt 272,4 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Anh và Áchentina cũng trong giai đoạn này ước đạt lần lượt 79,8 triệu USD và 69,3 triệu USD, tăng tương ứng 14% và 55%.

(Int - VC)

Năm 2006: tiêu thụ gỗ xẻ tại Mỹ suy giảm

Theo tạp chí Wood Markets, tiêu thụ gỗ xẻ của Mỹ đang bị ảnh hưởng từ nhu cầu xây dựng nhà mới suy giảm mạnh. Năm 2006, số nhà xây mới tại Mỹ ước giảm 13%, xuống còn 1,8 triệu căn và dự báo sẽ giảm ít nhất 11% xuống mức 1,6 triệu căn trong năm 2007.

Với tình hình thực tế trên, tiêu thụ gỗ xẻ mềm tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) năm 2006 ước giảm 4%, xuống còn 72,8 tỷ board feet (bf) và dự báo sẽ tiếp tục giảm 4% trong năm 2007 xuống mức 69,5 tỷ bf. Theo ước tính, khoảng 1,6 tỷ bf (trong số 6 tỷ bf suy giảm) là do nhập khẩu từ thị trường châu Âu và sản lượng của khu vực Bắc Mỹ suy giảm.

Russel Taylor, tác giả bài viết dự báo, giá gỗ xẻ mềm trong nửa cuối năm 2007 có thể vững hơn so với thời gian đầu năm. Khoảng cách chênh lệch giá gỗ xẻ mềm tại châu Âu và Mỹ đã tiếp tục được nới rộng trong nửa cuối năm 2006 và đây được coi là điều kiện thuận lợi giúp các nhà sản xuất Mỹ tái thâm nhập trở lại thị trường châu Âu.

(Int - Chinh)



Theo thị trường
Báo cáo phân tích thị trường