Đầu vụ đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, cuối vụ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu bùng phát trên diện rộng (BTB và ĐBSH).
Rồi giá phân bón tháng 3, tháng 4/2008 tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2007; giá thuốc BVTV tăng 20 – 30%; giá công lao động thời vụ tăng từ 50 – 100 % so với vụ trước, lạm phát tăng cao, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng leo thang, tín dụng thắt chặt, vốn đầu tư hạn chế…
Tuy nhiên theo Cục phó Cục Trồng trọt Phan Huy Thông, nhờ những nỗ lực của các cấp ngành và sự bền bỉ của hàng triệu nông dân, chúng ta đã có vụ ĐX 2007-2008 thắng lợi với năng suất và sản lượng đều tăng so với nhiều vụ trước: năng suất bình quân 59,3 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha (11,0%) so với ĐX 06-07. Được mùa ở tất cả các vùng, tổng sản lượng thóc: 6,7 triệu tấn, tăng so với vụ ĐX trước 550 nghìn tấn: “Bài học từ vụ ĐX 07-08 là bố trí cơ cấu các trà lúa đông xuân để đảm bảo tính bền vững: Ưu thế nổi bật của trà lúa xuân muộn. Áp dụng các biện pháp bảo vệ mạ tốt. Chuẩn bị phương án dự phòng giống ngắn ngày. Thực hiện đúng kỹ thuật làm mạ xuân muộn. Mở rộng tối đa diện tích lúa lai vụ ĐX…”.
Vụ sản xuất ĐX 08-09, chúng ta có thuận lợi là: Nguồn nước tưới vụ ĐX đỡ căng thẳng hơn các vụ trước. Các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn tiếp tục sẽ được bổ sung, đổi mới, tạo động lực mới cho sản xuất phát triển. Giá phân bón, xăng dầu giảm so với vụ trước... Tuy nhiên cũng có rất nhiều khó khăn: Khủng hoảng tài chính tác động mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp, giá nhiều loại nông sản xuống thấp, tiêu thụ khó khăn.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho sản xuất vụ đông, nguồn thu nhập của nông dân bị mất, khả năng đầu tư hạn chế. Theo Cục Trồng trọt, SX ĐX 08- 09 với định hướng chung: Thâm canh để tăng năng suất và sản lượng, bù đắp thiệt hại vụ đông, giữ vững ANLT, đặc biệt ở các vùng bị thiên tai. Đa dạng hoá cây trồng theo nhu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao, chất lượng, VSATTP. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ lúa xuân linh hoạt để chủ động ứng phó tốt với thời tiết ấm nóng hoặc rét hại. Tiết kiệm chi phí. Cây trồng chủ lực là lúa sẽ có diện tích gieo cấy 1.120 nghìn ha, giảm 8,5 nghìn ha, năng suất bình quân 59 tạ/ha, sản lượng 6,6 triệu tấn.
Một số giải pháp Cục Trồng trọt đưa ra trong vụ ĐX là thực hiện nghiêm túc kỹ thuật làm mạ xuân; mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, đảm bảo các điều kiện như chủ động tưới tiêu, làm đất, đảm bảo mật độ, điều tiết nước hợp lý; áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa bền vững: Triển khai chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tưới nước tiết kiệm. Các địa phương có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc để cơ giới hoá trong sản xuất lúa…
Tại hội nghị, nhiều địa phương cũng có những kinh nghiệm hay để thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân như tại Ninh Bình ngoài chính sách hỗ trợ giống cho bà con, mỗi cán bộ khuyến nông chỉ đạo sản xuất còn được hỗ trợ 1 triệu đồng/vụ; tại Nam Định để thúc đẩy việc dùng giống lúa ngắn ngày, lực lượng cán bộ nông nghiệp được tổ chức tăng cường cho các huyện còn tập quán cấy giống dài ngày nhằm tập huấn, đào tạo, thay đổi nhận thức cho nông dân; tăng cường cơ giới hoá vì có như vậy mới thúc đẩy dồn điền đổi thửa được…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh vụ đông xuân này cần đẩy mạnh việc gieo thẳng ở những vùng thích hợp, đưa quy trình chăm sóc theo hướng tiết kiệm, tăng cường thu hoạch bằng máy, đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất bằng những chính sách kích thích...