Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
31 | 12 | 2008
Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề. Cắt giảm triệt để chi tiêu công, dành đầu tư cho hạ tầng, phần còn lại dành thực hiện thích đáng cho chính sách tam nông.

“Tình hình kinh tế từ đầu năm 2008 đến nay là quá đặc biệt, mọi dự báo đều sai khiến cho công tác điều hành trật lất, doanh nghiệp trở tay không kịp”. Đó là ý kiến của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép VN Đậu Văn Hùng tại Hội thảo “vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội” được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào sáng qua (30-12).

Doanh nghiệp phá sản, công nhân ra đường

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty Chăn nuôi chế biến nhập khẩu, nhận định: “Nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng họ không báo cáo thật. 25%-30% nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đã đóng cửa. Tổng cục Thống kê cho biết hiện đang tồn kho hai triệu tấn phân đạm, lúc mua giá cao nhất là 800 USD, hiện tại Trung Quốc chào hàng có 260 USD. Tôi cho rằng thách thức mới chỉ bắt đầu, cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sẽ khốn đốn”.

Theo ông Lý, chúng ta dày công trong 20 năm qua để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nếu không có chính sách “giải cứu” kịp thời thì đội ngũ này sẽ tiêu tan trong năm 2009. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nguyễn Đức Phong cho hay: “So với thời điểm giữa năm, nhiều mặt hàng hiện đã giảm giá tới 50%. Đến giữa năm 2009 mà tình hình vẫn thế này thì 50% doanh nghiệp sẽ phá sản”.

Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á, nói: “Tập đoàn chúng tôi vừa phải đóng cửa 3/14 công ty. Nhiều công nhân trong các công ty khác cũng phải nghỉ việc. Ở Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Hà Nội, nhiều người nói với tôi rằng không biết chúng em sống được bao lâu nữa vì đang phải bán phá giá hàng hóa”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường cho biết trong cả năm nay ngành này không có lãi. “Mỹ, EU, Nhật đều dự báo năm 2009 tăng trưởng âm thì mình bán hàng cho ai? Hiện nay, các đàm phán xuất khẩu mới đều cho thấy giảm 20%, đó là chưa kể ba tháng tới hàng dệt may Trung Quốc sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Nếu không có tăng trưởng thì 300-400 ngàn lao động trong số hai triệu lao động của toàn ngành có nguy cơ mất việc làm” - ông Trường cảnh báo.

Thành lập quỹ chống phá sản?

Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đề xuất khá nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Bà Loan đề nghị Chính phủ thành lập quỹ chống phá sản để cứu các doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á cũng kêu rằng không hiểu vì sao ngân hàng không cho vay đối với các hợp đồng xây dựng. “Chúng tôi phải lấy chỗ nọ đập chỗ kia, doanh nghiệp mẹ phải đi vay cho doanh nghiệp con. Có những dự án của EVN đã thực hiện, đã đi vào vận hành rồi nhưng EVN không bố trí được vốn trả nợ cho doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp không có tiền trả nợ ngân hàng, thế là khoản nợ đó thành nợ xấu và ngân hàng đóng cửa với doanh nghiệp. Đây là một cái vòng lẩn quẩn mà nhà nước phải ra tay” - bà nói.

Góp ý cho biện pháp thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà Lê Văn Tuấn nói: “Tôi đề nghị cắt giảm triệt để chi tiêu công, dành đầu tư cho hạ tầng, phần còn lại dành thực hiện thích đáng cho chính sách tam nông. Không nên dành gói này kích cho các tập đoàn, họ phải tự bơi lấy”. Theo ông Tuấn, con số một tỷ USD hay sáu tỷ USD thì cũng quá nhỏ nhoi so với nhu cầu, vì vậy cần phải chi đúng địa chỉ mới có hiệu quả. Ông Lý thì đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ và tiếp tục cho vay... Đề nghị miễn thuế VAT đầu vào cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong năm 2009”.

Xem lại chính sách bình ổn giá

Vẫn theo tổng giám đốc Tổng Công ty Thép VN thì năm năm nay, năm nào cũng phải tham gia bình ổn thị trường và mỗi năm phải bù 500-700 tỷ đồng cho chính sách này nhưng đến lúc gặp khó khăn như hiện nay thì chưa nhận được chính sách hỗ trợ. “Đề nghị nhà nước xem lại chính sách bình ổn giá. Nếu buộc doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thì phải coi chúng tôi như doanh nghiệp công ích” - ông Hùng kiến nghị.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu, nói: “Điều hành vẫn mang tính ngắn hạn. Các giải pháp về giá, thuế không đồng bộ và thiếu ổn định. Doanh nghiệp không được chủ động điều hành theo thị trường, dẫn đến các lần tăng giá xăng đều gây sốc thị trường, có lúc tăng giá tới 40%. Bây giờ thị trường đã hình thành rồi nhưng tư duy điều hành thì vẫn nghĩ là doanh nghiệp độc quyền. Giá xuống thấp thế này rồi mà muốn giảm giá vẫn phải xin phép”. Ông Bảo đề xuất Chính phủ nên quy định chỉ khi giá tăng đến trần nào đó thì mới thực hiện giải pháp bình ổn, còn giá xuống thấp thì để doanh nghiệp tự điều chỉnh...

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cảm ơn những ý kiến cởi mở và thẳng thắn của lãnh đạo các doanh nghiệp. Ông Kiên hứa là trong thẩm quyền của mình sẽ có những hành động thích hợp cùng với các cơ quan có trách nhiệm đưa ra các giải pháp kịp thời để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. “Những ý kiến ngày hôm nay sẽ được tổng hợp chi tiết. Tôi sẽ đề nghị Ban Bí thư cho trình ra Hội nghị Trung ương 9 diễn ra từ ngày 5 đến 15-1-2009 tới”.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường