Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường mới của Trung Quốc: Xuất khẩu nông dân
06 | 01 | 2009
Trung Quốc thiếu đất đai còn châu Phi thì thiếu lương thực. Có lẽ vì thế ý tưởng thuyết phục nông dân Trung Quốc di cư của một doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp, nghe có vẻ rất lạ lẫm nhưng lại thành công.
Ông Lưu Kiện Quân cho biết: “Tôi thấy ở châu Phi, người ta khá lười biếng, họ cảm thấy hạnh phúc khi nhặt quả rụng từ trên cây xuống, hơn là tự mình trồng ra chúng”.

Khi nói chuyện, Lưu Kiện Quân mặc một chiếc áo dài quá gối sáng màu đặc trưng của dân châu Phi, đầu đội mũ chóp cao giống hệt một người tộc trưởng, cổ đeo nổi bật sợi dây chuyền gắn những hạt màu đỏ, và tay cầm một chiếc gậy gắn con dao huyền bí trên cán. Ngay bên cạnh ông là bức chân dung của vị cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Nhìn qua thì đó có vẻ là một cảnh tưởng khá nghịch lý, nhưng ẩn sâu bên trong lại là hình ảnh phản chiếu mối quan hệ thâm giao giữa người khổng lồ của kinh tế châu Á và lục địa nghèo nhất thế giới.

Ông Lưu Kiện Quân trong trang phục của người châu Phi. Ảnh: Independent

Một trong những doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc ăn nên làm ra ở châu Phi cho biết họ cảm nhận được sự nhiệt tâm của người châu Phi đối với sự hiện diện của người Trung Quốc. Ông nói: “Ngay từ giây phút đầu tiên những người Trung Quốc bước chân xuống sân bay, họ đã nhận được sự đón chào hết sức thân thiện của người châu Phi. Người Trung Quốc không mang theo đội quân vũ trang hay bất kì thứ vũ khí nào khác, họ mang đến đây hạt giống và công nghệ”.

Cuối năm 2008, Bộ Thương mại Trung Quốc hân hoan tuyên bố hiệp định kinh tế song phương Hoa – Phi đã đạt đến con số 100 tỷ USD sớm hai năm so với thời hạn dự kiến. Những mỏ dầu với trữ lượng dồi dào, cùng những lớp trầm tích khoáng sản phong phú của châu Phi đang nằm trong danh sách nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, và đổi lại quốc gia đông dân nhất thế giới này đang hàng năm xuất sang châu lục đen khoảng mười nghìn nông dân nước mình.

Theo tính toán và ước lượng, hiện có khoảng 750.000 người Trung Quốc đã đặt chân đến châu Phi, thậm chí đã chuyển hẳn tới lục địa này để kinh doanh và tận dụng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nơi đây. Và tỉnh Hà Bắc – nơi ông Lưu đã đưa ra sáng kiến như đã nhắc ở trên - cũng không phải là một ngoại lệ. Ông cho biết chỉ tính riêng tỉnh này đã có khoảng 10.000 nông dân chu du tới 18 quốc gia của Phi châu trong mấy năm trở lại đây.

Họ làm việc trong các “làng Bảo Đình” (Baoding villages) – những ngôi làng được đặt theo tên khu phố nhỏ bụi bặm nơi ông Lưu từng sống, ông Lưu cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng Bảo Đình có nghĩa là “Sự che chở và Hòa bình”. Những ngôi làng này có quy mô dao động từ 400 tới 2000 người Trung Quốc, đã và đang được dựng lên khắp lục địa đen, từ Nigeria tới Kenya, từ Sudan tới Zambia.

Ông Lưu đã bắt đầu gây dựng mô hình làng Bảo Đình khi còn là người đứng đầu cơ quan ngoại thương của tỉnh Hà Bắc hồi năm 1998 và khi đó, ông đang nỗ lực tìm kiếm mọi cách để thúc đẩy nền kinh tế địa phương vốn lao đao nghiêm trọng sau cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á. Và ông đã khám phá ra châu Phi.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng châu Phi hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, và khi tới đó, chúng tôi nhận thấy rằng người dân nơi đây đang đói khát lương thực, thậm chí là có rất nhiều mảnh đất còn chẳng được sử dụng để trồng trọt, và ngoài ra ở đây còn có rất nhiều súc vật”, ông Lưu kể. “Chính vì vậy tôi đã quyết định chuyển từ việc nhập khẩu hàng hóa sang xuất khẩu các chuyên gia nông nghiệp”.

Kế hoạch đó đã thực sự thành công, là một giải pháp giúp Trung Quốc thắng thế, bởi người khổng lồ kinh tế này đóng góp tới 20% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu 7% tổng diện tích đất trồng trọt của thế giới. “Trung Quốc đúng là đất chật, người đông”, ông Lưu nhấn mạnh.

“Ở châu Phi, họ có quá nhiều đất nhưng lại quá ít nông dân. Những nơi như Bờ biển ngà đang thiểu khoảng 400.000 tấn lương thực mỗi năm dân ở đây không tài nào trồng cấy đủ để cung cấp cho toàn bộ dân số của mình. Trong khi đó, kỹ thuật nông nghiệp của họ lại chưa được cải thiện”.

Theo lối bình luận, nhận định mà có lẽ chẳng ai còn có cơ hội nghe giữa nơi công cộng ở trời Tây, nơi mọi ngôn ngữ chính trị đều phải hết sức cẩn trọng, ông Lưu miêu tả những người nông dân châu Phi là “hơi biếng nhác một chút, cảm thấy hài lòng khi nhặt quả rụng từ trên cây chứ chẳng buồn tự mình trồng lấy chúng”. Tuy nhiên, rõ ràng không thể phủ nhận là ông đã dành cho mảnh đất này một tình yêu đặc biệt.

Anh Trương Tuyết Đông, một trong số những cư dân của làng Bảo Đình tại Trung Quốc, đã tới đây làm việc, cũng tại làng Bảo Đình, chỉ khác là ở châu Phi, đã sống gần một năm tại Abidjan, thủ đô của Bờ biển ngà. “Tôi rất thích nền văn hóa của châu Phi và điều mà tôi nhận thấy ở họ là sự sống rất sôi động”, anh nói.

Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc đã trải qua những bước phát triển với tốc độ tăng trưởng thần kì, nhưng không thể phủ nhận là tình thế đang thay đổi trong mấy tháng gần đây, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa, đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa còn vô cùng khốn khó.

Vì vậy, đối với những người nông dân Trung Quốc ở những vùng như Hà Bắc, viễn cảnh kiếm được tới 7000 bảng Anh một năm tại châu Phi quả là hết sức hấp dẫn. Với số tiền này, họ có thể gửi cho người thân trang trải những nhu cầu thiết yếu của gia đình nơi quê nhà. “Gia đình tôi vẫn đang sống tại làng Bảo Đình khi tôi bước chân ra đi sang châu Phi để tự mình dạy người dân ở đây làm thế nào để trồng rau”, anh Trương nói tiếp.

Qua Internet và báo chí, lần đầu tiên Chủ tịch Công ty đầu tư quốc tế Đại Phi, ông Lý Châu, nghe nói và chú ý tới những cơ hội tiềm ẩn tại châu Phi. “Trước khi đến đó, tôi thực sự rất lo lắng”, ông Lý tâm sự. “Cả gia đình tôi cũng cảm thấy lo âu không kém. Tất cả đều nghe nói rằng ở đó có chiến tranh, xung đột và đầy rẫy bệnh tật. Nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định khăn gói tới đó khoảng tháng Tám năm ngoái”.

Là bạn của ông Lưu, ông Lý hy vọng gây dựng được một trang trại và một nhà máy sản xuất máy kéo tại đây. Ông đã mạo hiểm mua 2000 mẫu đất tại Mbale, Uganda và đang dạy người dân châu Phi các kỹ thuật gieo trồng bằng cách sử dụng máy móc. Ông cũng đang điều hành một câu lạc bộ dành cho người Hoa tại đây.

Nông dân Trung Quốc làm việc trên ruộng đồng của chính mình ở Trung Quốc. Trong tương lai, rất có thể nơi họ trồng cấy sẽ là ở lục địa đen. Ảnh: Greenpeace

“Điều tôi không thích ở đây có lẽ chính là đồ ăn thức uống – lúc nào cũng mang đậm phong vị phương Tây – nhưng tôi biết rất rõ rằng mình yêu mảnh đất châu Phi này”, ông Lý nói. “Thời tiết ở đây rất tuyệt, ấm áp và dễ chịu. Con người thì tốt bụng, tử tế, xã hội mà họ sống thực sự là hài hòa, ngập tràn tình thương yêu và lòng đam mê. Tôi đã từng tới Kenya và Uganda. Cuối cùng, tôi chọn Uganda chính bởi sự ổn định của đất nước này. Chính quyền địa phương cho tôi biết là họ rất thiết tha và khao khát phát triển đất nước, nhưng họ cảm thấy bất lực bởi không biết cần phải làm gì. Chính vì thế họ muốn chúng tôi dạy họ.

Và chúng tôi mang đến cho họ những ý tưởng, sáng kiến chẳng hạn như về việc thành lập khu vực phát triển riêng. Tôi cũng nghe nói rằng ở đó, tức Uganda, có khá nhiều mỏ tốt – cả mỏ vàng và mỏ đá. Một số trở ngại đối với chúng tôi khi làm việc tại châu Phi là chúng tôi không hiểu biết nhiều về các quốc gia cũng như các phong tục tập quán của từng địa phương; hơn nữa, tham nhũng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm”.

Không chỉ các doanh nhân có trong tay nguồn lao động dồi dào mới cố gắng tận dụng thời cơ ở châu Phi, mà chính quyền cũng không đứng ngoài cuộc. Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã cam kết giúp đỡ về tài chính cho những người di cư tới châu Phi như một phần trong kế hoạch đô thị hóa tốc độ cao tại Trùng Khánh - thành phố miền tây nam Trung Quốc, một trong những thủ phủ lớn nhất thế giới với số dân 32 triệu người. Theo Nhân dân Nhật báo , khi dự án đô thị hóa tốc độ cao được triển khai, vài triệu nông dân chắc chắn sẽ không còn đất trồng cấy.

Tuy nhiên cũng có nhiều người không tán thành và chỉ trích kế hoạch bành trướng của Trung Quốc sang châu Phi, họ nhìn thấy nhiều mặt trái của kế hoạch này. Người ta nói rằng Bắc Kinh đang vờ như không thấy những vi phạm nhân quyền và hậu thuẫn cho không ít vị lãnh đạo không được lòng dân ở châu Phi, trong đó có Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe, bằng những chuyến hàng chở vũ khí quân sự. Ở phương Tây, dư luận lên án Trung Quốc đã không làm gì để gây áp lực với chính phủ Sudan – nhà cung cấp tới 2/3 trữ lượng dầu mỏ của mình cho Trung Quốc – nhằm chấm dứt xung đột sắc ở Darfur.

Giờ này, hai khu trục hạm và một tàu quân nhu của Trung Quốc đang trong hành trình tới vùng biển Somali để chung tay với quốc tể đẩy lùi nạn cướp biển. Trong vòng 12 tháng qua, hải tặc Somali ngoài biển phía đông châu Phi đã bắt giữ hàng loạt tàu hàng làm con tin, trong đó có ít nhất 7 tàu treo cờ Trung Quốc hoặc có thủy thủ đoàn Trung Quốc. Trước tình hình này, lần đầu tiên trong 600 năm nay, các chiến hạm Trung Hoa sẽ được điều tới châu Phi.

Xoay quanh những mối quan ngại địa chính trị ngày càng mở rộng, ông Lưu cũng nhấn mạnh nhiều vào những tác động tiêu cực tới quan hệ bang giao Trung - Phi. Ông cũng lưu ý rằng việc trao đổi văn hóa thậm chí có thể tiến tới cấp độ cao hơn là các cuộc hôn nhân. “Một số người đàn ông Trung Quốc kết hôn với phụ nữ châu Phi, họ thích vẻ đẹp thon thả của các cô gái châu Phi”, ông cho biết.

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại ở đây, ông Lưu đứng dậy bên cạnh bức chân dung của cố Chủ tịch Mao, với chiếc áo choàng châu Phi của mình, vừa bước đi vừa đọc một câu tục ngữ cổ của người Trung Quốc: “Khi ra đi ta thấy lo sợ, khi tới rồi ta thấy ngạc nhiên, khi đi xa ta thấy nhớ nhung”.

- Tường thuật của Clifford Coonan, phóng viên của Independent (Anh) từ tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường