Đó là dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay. FAO cho rằng trong bối cảnh các nước phải tăng cường dự trữ lương thực trước những rủi ro từ khủng hoảng, trong năm 2009, Việt Nam có thể xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo.
Cũng theo FAO, năm 2009, tuy giá gạo không tăng đột biến như năm 2008 nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao. So với năm 2003, giá gạo tăng khoảng hai lần do nhu cầu gạo của các nước tăng cao trong khi nguồn cung không tăng.
Hiện giá phân bón và các vật tư nông nghiệp đã giảm tới 50%, trong khi giá xuất khẩu không giảm nhiều. Đây quả là tín hiệu tích cực đối với nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam và là cơ hội để bù đắp phần nào thiệt hại mà nhà nông và doanh nghiệp đã gặp phải trong năm 2008.
Diện tích trồng lúa của Việt Nam hiện là 7,5 triệu ha, sản lượng khoảng 39 triệu tấn. Do vậy, mục tiêu xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
Nhưng sản lượng xuất khẩu có khả năng chỉ tăng vào nửa cuối năm 2009. Thời điểm đó, việc đàm phán hợp đồng với các thị trường mới, đặc biệt là các nước châu Phi mới được hoàn thành.
Còn theo dự báo của Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam có khả năng sẽ mua khoảng 50% sản lượng gạo xuất khẩu này.
Trong năm 2008, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, đã giao 4,65 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với năm 2007 (1,4 tỷ USD).
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 cũng đạt mức cao, bình quân là 550 USD/tấn, gần gấp đôi so với năm trước