Gạo trắng 100% B của Thái Lan hiện có giá 621 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 1.080 USD/tấn hồi tháng 4 năm ngoái.
Trong tháng 1, Thái Lan đã xuất khẩu 628.792 tấn gạo, trị giá 331 triệu USD (11,35 tỷ Baht), giảm mạnh so với 1,01 triệu tấn cùng tháng năm ngoái, trị giá 421 triệu Baht.
Xuất khẩu gạo Thái Lan năm vừa qua tăng đột biến, do lo ngại thiếu cung gạô đẩy lượng mua tăng mạnh. Ngoài ra, việc một số nước xuất khẩu như Ấn Độ và Việt Nam đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo cũng làm gia tăng nhu cầu mua gạo Thái Lan.
Xuất khẩu gạo Thái năm vừa qua đã tăng tới 10,02 triệu tấn, tăng so với 9,5 triệu tấn năm 2007.
Hiện nay, các nước mua gạo vẫn đang quan ngại về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc các đường dây tín dụng bị thắt chặt trên toàn cầu cũng làm hạn chế lượng mua gạo vào.
Các nhà xuất khẩu Thái lan có thể tiếp tục phải cạnh tranh khó khăn vì Ấn Độ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo Phi – Basmati. Ấn Độ, một trong những nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo phi – Basmati từ năm ngoái do lo sợ thiếu cung trên thị trường nội địa. Năm ngoái, Ấn Độ chỉ xuất khẩu được 2,9 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với mức 5-6 triệu tấn ở những năm trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Thái Lan, bà Apiradi Tantraporn dự báo
mậu dịch gạo thế giới sẽ phục hồi trở lại vào quý II/2009, khi lượng gạo trữ sụt giảm.
Lượng gạo thế giới tiêu thụ năm nay dự báo khoảng 428 triệu tấn, tăng so với mức 423,7 triệu tấn năm ngoái. Tổng sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng từ mức 420,63 triệu tấn của niên vụ trước lên 431 triệu tấn, trong đó sản lượng gạo của Thái Lan ước đạt 18,8 triệu tấn.
Một số chuyên gia cảnh báo Thái Lan đang đứng trước nguy cơ thất thu rất nhiều, một khi biểu thuế đối với gạo nhập khẩu trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được cắt giảm xuống 0%. Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas cho rằng chính phủ cần xem xét quyết định cắt giảm thuế theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) và có biện pháp ứng phó với làn sóng gạo giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, mặc dù Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á thực hiện chương trình can thiệp để hỗ trợ giá gạo giúp nông dân trong nước. Có khả năng gạo của Lào, Mianma, Campuchia và Việt Nam sẽ thâm nhập thị trường Thái Lan do có giá thành rẻ hơn.