Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phân tích từ tình hình tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng trong khi sản lượng cà phê tại các nước sản xuất chủ chốt lại giảm do hạn hán và lũ lụt.
Giá cà phê thế giới tăng cao khiến giá cà phê xuất khẩu trong nước cũng tăng khoảng 40 USD/tấn so với cuối tháng trước và dự báo sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao cho đến hết năm. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá sẽ bị hạn chế bởi triển vọng sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2006/07 dự báo đạt 15 triệu bao, tăng so với mức 12,7 triệu bao niên vụ 2005/06.
Thu mua cà phê trong nước tại thị trường Lâm Đồng giá tăng khoảng 1.500đ/kg so với đầu tháng. Cà phê robusta xô ở mức 22.800đ/kg; Robusta L1 24.800 đồng/kg. Cà phê Arabica (chè) lọai 1 giá 23.500đ/kg. Giá cà phê xuất khẩu tăng khoảng 50USD/tấn so với đầu tháng. Ngày 20/11, giá cà phê xuất khẩu 5% đen và vỡ, loại 2 được giao dịch ở mức 1480-1490USD/tấn, FOB, TP. Hồ Chí Minh. Dự báo, giá cà phê trong nước của Việt Nam sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới.
Trước tình hình cà phê tăng giá, nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì đã trót ký hợp đồng bán hàng giá thấp trước đó và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ bị thua lỗ nặng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, thì người trồng cà phê thường chỉ bán cầm chừng lúc giá có biến động để chờ giá cao hơn.
Nguyên nhân khiến các nhà xuất khẩu cà phê hoạt động kém hiệu quả và dễ bị chao đảo khi thị trường biến động là do yếu vốn. Nhiều đơn vị xuất khẩu cà phê đang hoạt động ở thế bị động, không có sẵn nguồn hàng dự trữ trong kho, thường ký hợp đồng xuất khẩu trước rồi mới bắt đầu đi mua hàng trong nỗi lo lắng.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng lâm vào tình trạng có nguy cơ thua nặng như hiện tại là do các doanh nghiệp xuất khẩu quá liều lĩnh và chủ quan, trong khi không nắm được thông tin và không đánh giá được đối thủ. Và đa số mọi người khi được hỏi đều nhất trí chọn nguyên nhân chính là do các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam thiếu sự liên kết với nhau.
Một lợi thế rất lớn của các nhà xuất khẩu cà phê là sản lượng cà phê mỗi niên vụ của nước ta đạt khoảng 800.000 tấn, chiếm đến hơn 30% sản lượng cà phê robusta trên thế giới.
Nếu các nhà xuất khẩu cà phê nước ta liên kết lại, hợp tác thu mua trước, rồi mới cùng điều tiết lượng hàng hoá xuất ra thị trường thế giới, thì việc làm chủ giá cả, tránh thua lỗ không phải là quá khó.
Dự báo, sản lượng cà phê ở Braxin - nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới sẽ giảm. Do sản lượng cà phê thế giới giảm, dự trữ cà phê ở các nước xuất khẩu cũng liên tục giảm đã đẩy giá tăng mạnh trong thời gian gần đây và giá sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối năm 2006.