Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các thị trường triển vọng của cao su Việt Nam
01 | 04 | 2009
Trong hơn 70 nước và vùng lãnh thổ hiện Việt Nam xuất khẩu cao su thiên nhiên thì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Trung Quốc đứng đầu bảng

Năm 2008, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 952,7 triệu USD, chiếm 56% thị phần xuất khẩu của cao su Việt Nam. Các thị trường khác đứng sau Trung Quốc như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan… trung bình chỉ chiếm 3 – 5% trong tổng thị phần xuất khẩu.

Trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam năm 2008, Đức và Ý có tốc độ tăng nhập khẩu từ Việt Nam lớn hơn so với nhập từ các thị trường khác.

Năm 2007/2008 tăng trưởng nhập khẩu cao su thiên nhiên của Đức là 7,65%, riêng nhập từ Việt Nam tăng 14,7%. Thị trường Ý các con số trên lần lượt là 13,49% và 38%.

Tuy nhiên, một số thị trường như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ lại giảm nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam, trong khi tổng nhu cầu nhập khẩu của các nước đó năm 2008 tăng hơn so với năm 2007.


Nguồn: (1): Tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam, 2007/08 được AGROINFO tính theo số liệu cả năm 2007 và 2008 từ số liệu của Tổng cục Hải quan.
(2): Tăng trưởng nhập khẩu từ thế giới, 2007/08 được AGROINFO tính theo số liệu 11 tháng năm 2007 và 11 tháng năm 2008 từ số liệu của GTIS.


Cộng hoà Czech có kim ngạch nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Việt Nam không lớn nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2007/2008 lớn nhất. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong năm 2008 đạt 130%, kim ngạch đạt 8,3 triệu USD, tăng gần 50% so với mức 3,6 triệu USD trong năm 2007.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao su tại thị trường Mỹ đứng thứ hai thế giới, phần trăm tăng trưởng đạt mức gần 37%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2008 chỉ đạt 30,5 triệu USD, giảm gần 20% so với kim ngạch năm 2007.

Số lượng nhập khẩu cao su của thị trường Mỹ từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng âm ngoài việc nhu cầu tiêu dùng của ngành công nghiệp ô tô giảm mạnh, còn có thể do chất lượng hàng hoá và kênh phân phối của Việt Nam chưa thật sự được tốt và hiệu quả.


Nguồn: AGROINFO tổng hợp theo số liệu của Tổng cục Hải quan

Triển vọng xuất khẩu năm 2009

Năm 2009, cung cầu cao su thiên nhiên trên thế giới dự kiến đều ở mức thấp hơn so với năm 2008. Tuy nhiên, cung cầu cao su thiên nhiên thế giới năm 2009 mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức tương đối ổn định.

Dựa theo số liệu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su trong năm 2007 – 2008 và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 thì Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng nhập khẩu cao su lớn trên thế giới. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su năm 2007 – 2008 lớn nhất thế giới, ở mức 39,27%.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 – 2008 của thị trường Trung Quốc từ Việt Nam cũng đạt 26,59%. Dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2009 đạt 6,7% (IMF). Với mức tăng trưởng đó, Trung Quốc được đánh giá vẫn là thị trường nhập khẩu cao su triển vọng trong năm 2009.

Thị trường Hàn Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự báo đạt 3,4% và tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 – 2008 đạt 28,72%, cũng được đánh giá là thị trường nhập khẩu cao su triển vọng trong năm 2009.

Cộng hoà Czech mặc dù có kim ngạch nhập khẩu cao su trong năm 2008 không lớn, chỉ đạt 8,3 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao trong giai đoạn 2007 – 2008.

Dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong năm 2009 sẽ đạt 3,3%. Thị trường này cũng được coi là thị trường triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2009.

Do diện tích trồng mới và diện tích khai thác cao su từ năm 1995 – 2008 của cả nước liên tục tăng, với mức sản lượng của năm 2008, sản xuất cao su của Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới (chiếm khoảng 5,4% sản lượng cao su thế giới), đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Theo đề án phát triển của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự kiến năm 2009, diện tích cao su của cả nước đạt 640 nghìn hécta; và sản lượng sẽ đạt 680 nghìn tấn.

Trong việc chuyển từ đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su tại các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt chú ý thực hiện đúng quy định đã đề ra. Đối với khu vực Tây Bắc, chỉ nên trồng cao su mang tính chất thí điểm, không ồ ạt mở rộng diện tích.

Xem thông tin về báo cáo tại đây



-
Báo cáo phân tích thị trường