Nguồn vốn cho dự án dự kiến được huy động từ các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn đồng tài trợ không hoàn lại và vốn đối ứng trong nước cũng như đóng góp của người dân tại 6 tỉnh Tây Nguyên.Theo báo cáo tiền khả thi, dự án sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đói cho các hộ dân tại 60 xã, thuộc 22 huyện của 6 tỉnh vùng này.
Bên cạnh đó, dự án này cũng nhằm thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các hộ nghèo so với các hộ gia đình trung bình phải sống dựa vào rừng ở 6 tỉnh là Kom Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Phú Yên, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Điều quan trọng hơn, việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng trong vùng dự án, nhất là năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất lâm nghiệp, sẽ được truyền tải cho cộng đồng và hộ gia đình. Từ đó, góp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự án gồm 4 hợp phần. Hợp phần một liên quan đến việc phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững nhằm xây dựng quy hoạch sử dụng đất mới cho 60 xã có dự án đầu tư. Trong đó, xác định 60.000ha đất lâm nghiệp phù hợp để trồng rừng thương mại. Dự án sẽ trồng mới khoảng 44.558ha rừng và bảo vệ 99.000ha rừng đang có. Đồng thời, thử nghiệm cơ chế phát triển sạch, du lịch sinh thái, nâng cao giá trị các sản phẩm lâm nghiệp.
Ở hợp phần 2, dự án sẽ cải thiện sinh kế, đầu tư cho 60 xã, thuộc 6 tỉnh vùng dự án, gồm hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện đời sống; hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như thuỷ lợi, đường giao thông, nước sạch, trường học, trạm xá.
Các hợp phần còn lại quan tâm và ưu tiên cho việc xây dựng và phát triển năng lực về kỹ thuật, quản lý và theo dõi, đánh giá trong ngành lâm nghiệp và tăng cường năng lực về thể chế cần thiết cho việc lập kế hoạch, điều phối và quản lý thực hiện dự án.