Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Thắng lớn và "nóng"
11 | 05 | 2009
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu đạt 4 triệu tấn và đã xuất 2,3 triệu tấn. Tuy đáng mừng, nhưng diễn biến “nóng” này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có sự điều hành, phối hợp ăn ý, kịp thời để tránh thua thiệt và ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Kỷ lục
 
Cuối năm 2008, nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu gạo năm 2009 sẽ gặp khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh chung thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua tăng cả số lượng và trị giá, lúa hàng hóa được tiêu thụ giá tốt. 4 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 2,3 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
 
Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 27/4, đại diện Hiệp hội Lương thực (VFA) cho biết, tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký lên tới con số 4 triệu trong tổng số 5 triệu tấn kế hoạch năm 2009. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 2,3 triệu tấn, trị giá gần 900 triệu USD với giá trung bình 406,73 USD/tấn.
 
Dự kiến, tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4/2009 đạt 700.000 tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2008, là số lượng giao hàng trong tháng cao nhất từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo đến nay.
 
"Phanh" để điều tiết
 
Theo báo cáo của VFA, số lượng hợp đồng đăng ký giao hàng cho tháng 6 đã vượt quá khả năng nguồn cung lúa gạo hàng hóa. Lập tức VFA đã có những biện pháp điều hành nhằm cân đối cung cầu. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của tất cả các địa phương có sản lượng lúa hàng hóa lớn và các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia xuất khẩu gạo.
 
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nếu không tạm ngưng ký hợp đồng thì với tốc độ hiện tại, các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng vượt mức lượng gạo có thể đáp ứng. Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng, cần phải tạm ngưng ký hợp đồng để các doanh nghiệp cân đối lại khả năng giao hàng.
 
Để có căn cứ cho công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng báo cáo chính xác về sản lượng, chủng loại lúa gạo hàng hóa từng mùa vụ; VFA báo cáo cụ thể việc phân giao chỉ tiêu hợp đồng tập trung và đăng ký hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm theo từng địa phương.
 
Và để thống nhất ý kiến, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp “nóng” với lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và VFA để bàn về việc điều hành xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
 
Sẽ sớm giao dịch xuất khẩu lại
 
Kinh nghiệm những năm trước cho thấy, công tác dự báo và điều hành xuất khẩu gạo rất quan trọng. Việt Nam đã không ít lần rơi vào cảnh khi giá cao thì không có gạo xuất, khi giá thấp thì xuất ồ ạt. Chính vì vậy, công tác điều hành xuất khẩu gạo năm nay rất được Chính phủ và các bộ ngành coi trọng.
 
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù hoạt động xuất khẩu gạo đầu năm khởi sắc như vậy, nhưng ngành gạo đang đối mặt với giá xuất khẩu ngày một giảm. Theo thông tin từ VFA, giá thị trường tiếp tục giảm trong tháng 4 và xu hướng còn giảm tiếp.
 
Tháng 4, giá xuất khẩu gạo Việt Nam trung bình là 406,5 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2008. Trong khi đó, các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn như Thái Lan hiện vẫn giữ gạo tồn kho và mua vào theo các chương trình trợ giá. Còn Ấn Độ vẫn chưa tích cực xuất khẩu.
 
Ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch VFA cho biết, xu hướng giá vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu yếu, người mua chỉ mua đủ ăn và khi cần, trong khi dự kiến Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại vào quý 3/2009, còn tồn kho của Thái Lan sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
 
Mặt khác, nửa cuối năm 2009 là giai đoạn nhiều người dân trong nước đẩy mạnh trồng loại lúa IR50404. Theo đề xuất của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tỉ lệ loại lúa này trong vụ hè thu chỉ khoảng 15% là hợp lý nhưng một phần thiếu các giống lúa khác, một phần vì lợi nhuận cao trong vụ đông xuân vừa qua nên người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Một số địa phương cho biết loại IR50404 đã vượt quá mức 40%.
 
Từ những diễn biến đó, VFA cho rằng trong những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu gạo sẽ diễn biến phức tạp và khó khăn, do đó thời gian tới VFA sẽ đề nghị với Thủ tướng cho phép sớm giao dịch xuất khẩu gạo trở lại.
 
Dự báo, lượng gạo hàng hóa vụ hè thu và thu đông năm nay là 2 triệu tấn, nên căn cứ số đã xuất và ký hợp đồng, lượng gạo hàng hóa sẽ vượt kế hoạch 500.000 tấn. Do đó, VFA dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu thêm 200.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu năm nay lên mức 5,2 triệu tấn.


Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường