Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người nuôi tôm trắng tay
24 | 11 | 2009
Đã hơn 20 ngày sau lũ, vậy mà tôm hùm nuôi vẫn còn bị sốc nước ngọt, long đầu, chết khắp các vùng biển thị xã Sông Cầu. Người dân ở đây trắng tay, nợ nần chồng chất.

Những vùng nuôi tôm hùm ở Vũng Chào, Vũng Me, Vũng La... chưa kịp khôi phục thiệt hại do bão số 9 gây ra, thì cơn bão số 11 và lũ tiếp tục tàn phá tan hoang lồng, bè nuôi tôm. Hàng trăm ngàn con tôm bị sốc nước ngọt và chết tràn lan. Tuy lũ đi qua đã hơn 20 ngày, nhưng tôm nuôi vẫn tiếp tục chết rải rác ở nhiều vùng nuôi.

Cứ mỗi sáng sớm, người dân tiếc của đã lặn biển vớt tôm hùm chết đem bán chỉ được vài chục ngàn đồng/con tôm. Hàng trăm “tỉ phú” nuôi tôm ở đây bỗng chốc trắng tay và nợ nần chồng chất. Hiện giá tôm hùm sống tăng cao kỷ lục - hơn 1 triệu đồng/kg, nhưng người dân không có tôm để bán.

Tại vịnh biển Xuân Đài, khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, hàng trăm bè, lồng tôm vỡ toang hoác nằm chỏng chơ trên bờ. Ông Nguyễn Minh Chiến than: “Tôi nuôi gần 4.500 con tôm, trong đó có hơn 400 con cỡ từ 0,7 – 0,9kg chuẩn bị thu hoạch. Vậy mà nước lũ đổ ra biển gây tôm chết mất phân nửa, thiệt hại trên 470 triệu đồng”.

Năm nay, ba cha con ông Nguyễn Tấn Đức đầu tư bè tôm gần 20 ô lồng, nuôi 1.700 con tôm hùm thịt. Cơn lũ đi qua, 1.300 con tôm hùm của ông bị chết trắng và số còn lại đang chết dần. Ngoài số vốn của gia đình dành dụm được mấy năm nay trên 400 triệu đồng, ba cha con ông Đức còn vay 180 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNT Sông Cầu, bây giờ trôi theo bọt nước. Trong 370 hộ nuôi tôm hùm tại khu phố Phước Lý thì số hộ bị thiệt hại nặng chiếm đến 90%.

Ông Lương Công Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, thị xã Sông Cầu có 33 bè nuôi tôm hùm bị vỡ, 17.066 lồng nuôi tôm bị hư hỏng, với khoảng 800.000 con bị chết, thiệt hại hơn 240 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Thịnh với 6.900 lồng bị hư, xã Xuân Phương 4.000 lồng, xã Xuân Cảnh 2.879 lồng, phường Xuân Yên 1.245 lồng...

Hiện tại, 20% tôm hùm nuôi còn lại của thị xã Sông Cầu tiếp tục chết rải rác do bị nhiễm nước ngọt trước đó. Những con tôm hùm đạt từ 0,5kg trở lên đang được bà con thu hoạch non, bán giá thấp để vớt vát một phần vốn. Số tôm quá nhỏ tiếp tục giữ lồng ở sát đáy và tăng cường các loại kháng sinh, vitamin để giúp tôm hồi phục. Tuy nhiên theo người dân, do nhiễm nước ngọt quá nặng nên khả năng cứu vãn số tôm hùm còn lại là rất thấp.



Theo Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường