Hiệp định đã được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 1/2006, tuy nhiên chỉ có hiệu lực khi đã hội đủ số nước xuất và nhập khẩu gỗ lớn trên thế giới phê chuẩn.
Mục đích của Hiệp định là nhằm góp phần làm giảm khí thải điôxít cácbon và tăng cường quản lý rừng ở các nước nhiệt đới thông qua các biện pháp chống phá rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp đồng thời khuyến khích trồng lại những khu rừng bị tàn phá hoặc suy thoái.
Trưởng Ban Hiệp định của Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý Annebeth Rosenboom cho biết việc phê chuẩn Hiệp định của 11 nước châu Âu, đặc biệt là Đức, sẽ đưa Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2010.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về kinh tế xã hội, Sa Tổ Khang, nhấn mạnh việc Hiệp định Liên hợp quốc về gỗ rừng nhiệt đới có hiệu lực thực sự là một bước ngoặt tạo ra một cơ chế hợp tác quốc tế lịch sử để quản lý bền vững rừng.
Liên hợp quốc nhấn mạnh chính sách quản lý rừng bền vững có vai trò thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và quá trình phát triển không bền vững của rừng đang đe doạ nghiêm trọng nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, rừng che phủ gần 4 tỷ hécta, chiếm 30% diện tích toàn cầu. Hơn 1,6 tỷ người trên thế giới hiện đang sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng; buôn bán gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trên toàn cầu lên tới 270 tỷ USD mỗi năm. Cứ mỗi năm, thế giới mất đi 13 triệu hécta rừng do nạn phá rừng.