Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo liên tục tăng
03 | 10 | 2007
Cuộc khảo sát giá gạo và tình hình kinh doanh gạo tại ĐBSCL và Hà Nội chiều 18/12 cho thấy giá gạo tại nhiều nơi đang tăng rất khó lường.
ĐBSCL: Giá gạo tăng, có dấu hiệu khan hiếm

Cần Thơ: Bà Võ Thị Phụng, chủ đại lý gạo Ngọc Sơn ở Trung tâm Thương mại Cái Khế cho biết, giá gạo hiện đã tăng bình quân 500 đồng/kg so với tháng trước.

Giá gạo mới 4.500 đồng/kg, gạo cũ bóng 5.000 đồng/kg, gạo thơm (Mỹ) 6.000 đồng/kg, thơm Thái Lan 6.500 đồng/kg, Đài Loan 7.500 đồng/kg… cao nhất là Nàng Hương giá 8.000 đồng/kg.

Trung tâm thương mại Cái Khế có hơn 20 đại lý bán gạo. Theo các chủ đại lý, cuối năm nay sức tiêu thụ gạo tăng cao khác thường. Bà Võ Thị Phụng cho biết lượng gạo bán ra ở đại lý của bà tăng khoảng 30% so với bình thường và “mọi năm, đại lý tự do lựa chọn người cung ứng gạo nhưng năm nay chỉ mong có nguồn ổn định”.

Kiên Giang: Giá gạo rẻ nhất (gạo thường) giá 3.200 đồng/kg và đắt nhất (nếp đặc sản) 14.000 đồng/kg. Tiêu thụ mạnh nhất là gạo tài nguyên giá dao động từ 4.500 – 6.500 đồng/kg. Trong khi đó gạo thơm Thái Lan có giá 7.500 đồng/kg.

Các tiểu thương tại Trung tâm thương mại TP Rạch Giá cho biết: Trong vòng hai tháng qua giá gạo các loại tăng bình quân từ 300 – 500 đồng/kg.

Theo dự báo của các đại lý gạo ở Rạch Giá, giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng do sản lượng lúa của tỉnh Kiên Giang vụ hè thu vừa qua giảm trên 200.000 tấn vì sâu bệnh.

Tiền Giang: Tại chợ Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) giá gạo loại 1 của nếp (Sắp) 10.000 đồng/kg, gạo thơm Chợ Đào 9.000 đồng/kg, thơm Đài Loan 9.000 đồng/kg, tài nguyên 6.800 đồng/ kg, thơm Rắc Min 6.500 đồng/kg, gạo thường các loại 5.200 đồng/kg – 5.800 đồng/kg, gạo tấm nấu rượu 3.800 - 4.000 đồng/kg.

Trong tháng qua, giá gạo tăng từ 600 đồng - 900 đồng/kg. Dự đoán của bà con ở chợ Tân Hiệp thì giá gạo còn tăng trong thời gian tới.

Vĩnh Long: Tại thị xã Vĩnh Long, giá gạo thường 5.000 – 5.500 đồng/kg, gạo thơm Thái Lan 6.500 đồng/kg, thơm Chợ Đào 8.500 đồng/kg, Hương Lài 8.000 đồng/kg, gạo nhập từ Đài Loan 8.000 đồng/kg. Giá gạo ở thị xã Vĩnh Long khá bình ổn trong tháng qua.

Hà Nội: Tăng 4.000 - 10.000 đồng/yến

Sáng 18/12, tại cửa hàng gạo Quỳnh Nga (chợ Ngọc Hà), chị Nguyễn Thị Lưu (tổ 45 Ngọc Hà - Ba Đình) loay hoay trước bảng giá mà chủ cửa hàng vừa treo, bởi giá các loại gạo đã tăng chóng mặt so với tuần trước. Giá bán lẻ gạo Bắc Hương - loại gạo mà gia đình chị vẫn quen mua - đã ở mức 7.600 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với cách đây 1 tháng.

Tại cửa hàng Ngọc Thành (chợ Đồng Xuân), các loại gạo cũng được chào với giá ngất ngưởng. Gạo Xi: 6.600 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg so với tuần trước; gạo Bông hồng: 6.200 đồng/kg; Tạp giao: 6.000 đồng/kg…

Tại các chợ khác của Hà Nội (Hàng Da, Hôm - Đức Viên, Long Biên…), giá bán lẻ cũng tương tự. Gạo đặc sản giá không tăng nhiều như gạo thường nhưng vẫn ở mức cao: Gạo Tám thơm (Hải Hậu): 8.500 đồng/kg, Nếp mùa: 12.000 đồng/kg, Nếp Điện Biên: 13.500 đồng/kg…

Chủ cửa hàng gạo Thuấn ở chợ Thành Công cho biết: Sau đợt tăng giá đột ngột đầu tháng 11, giá gạo giảm nhẹ trong vài tuần sau đó. Khoảng 10 ngày trở lại đây, gạo liên tục tăng giá, nhất là các loại gạo miền Nam.

Dù giá gạo tăng mạnh nhưng sức mua vẫn không giảm. Lý giải nguyên nhân gạo tăng giá, chủ cửa hàng này cho biết: Nguồn cung từ phía Nam không còn.

Giá lúa tẻ thường mà các công ty phía Bắc thu mua hiện phổ biến ở mức 2.900 - 3.300 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường bán buôn dao động 4.300 - 4.500 đồng/kg; gạo tẻ ngon: 4.500 - 9.500 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong 20 ngày qua, giá gạo tẻ bán buôn đã tăng 10.000 - 40.000 đồng/tạ.

Sẽ rất khó lường

“Giá gạo thời gian tới sẽ rất khó lường nhưng chắc chắn sẽ tăng” - Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Thiều - Trưởng phòng Kinh doanh Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Cũng theo ông Thiều, giá gạo bán lẻ ở các chợ khu vực Hà Nội hiện rất cao là không sát thực với thị trường.

Các tay buôn đã cố tình vống giá, lừa người tiêu dùng, kiếm lời. Ông Thiều cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng gạo mua bán qua Tổng công ty đạt hơn 2.100 tấn, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện rất khó thu mua lúa ở miền Bắc vì người dân đang nghe ngóng thị trường, chưa muốn bán…

Tuy nhiên, sự tác động từ thị trường đang khan hiếm lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nguyên nhân đẩy giá gạo miền Bắc tăng cao. Sự thất thu của vụ hè - thu (nguyên nhân chính là do dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá) khiến sản lượng lúa giảm.

Vụ Đông - Xuân 2006 - 2007 bị chậm 1 - 2 tháng so với mọi năm nên thời kỳ “giáp hạt” sẽ kéo dài, rất có thể sẽ đẩy giá gạo cao hơn nữa, nhất là vào dịp cuối năm - khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá.

Trước đó, trong tháng 11/2006, Bộ Thương mại nhận định: Giá gạo sẽ giảm trong tháng 12 vì sự can thiệp của Chính phủ (tạm dừng xuất khẩu gạo) và hạn chế được đầu cơ, tích trữ gạo.

Tuy nhiên, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. “Điều này sẽ khiến thị trường lúa gạo thời gian tới rất bất ổn” - ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) nhận định.

 



(Theo Tiền Phong)
Báo cáo phân tích thị trường